Đội ngũ bác sĩ Khoa Ngoại châm tê- Bệnh viện Châm cứu Trung ương vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân mắc bướu hỗn hợp giáp trạng 2 thùy độ IV.
Bệnh nhân là Nguyễn Văn Phường (đã thay tên) - 57 tuổi, nhập viện ngày 22/4/2021. Cách đây 4 năm, bệnh nhân Phường phát hiện mình mắc bệnh bướu cổ, tuy đã chạy chữa ở nhiều nơi nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.
Thời gian gần đây, u giáp ngày càng to chèn ép xung quanh, chèn vào đường ăn và đường thở khiến bệnh nhân nuốt vướng và khó thở khi nằm…
Khi thăm khám tại Bệnh viện Châm cứu, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bướu hỗn hợp tuyến giáp 2 thùy độ IV, có chèn ép, không có cường giáp hoặc suy giáp. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.
Qua siêu âm, chụp X-quang và các xét nghiệm cần thiết khác cho thấy: bướu hỗn hợp thùy phải to, kích thước 12 x 10cm, nhiều thùy, 1/3 phần bướu thùy phải phát triển sâu xuống trung thất, vượt qua đường nối giữa hai khớp ức đòn, có xu hướng lan xuống đỉnh phổi; bướu hỗn hợp giáp trạng thùy trái nhỏ hơn, chỉ khoảng độ III kích thước 6x5x5cm. Vì bướu giáp bên phải quá to nên chèn ép và đẩy khí quản sang bên trái, bó mạch cảnh phải bị đẩy ra sau. Bướu có xu hướng lan rộng và phát triển xuống dưới, nếu không được phẫu thuật kịp thời có thể gây chèn ép đường thở dẫn đến khó thở, nói khó. Hơn nữa, khối u phát triển xuống dưới trung thất quá lớn thì phẫu thuật rất khó và gây nguy hiểm.
Hình ảnh siêu âm u bướu của bệnh nhân
Theo Ths. Bs Hoàng Văn Phong- Trưởng Khoa Ngoại châm tê, Bệnh viện Châm cứu Trung ương: “Bệnh nhân có kích thước bướu quá to gây chèn ép làm biến dạng cổ và đường thở, ngách cổ bé mà u to do đó tạo phẫu trường phẫu thuật rất khó khăn. Nếu bóc tách không cẩn thận rất dễ làm tổn thương dây thần kinh thanh âm khiến người bệnh có thể bị mất tiếng. Hơn nữa, đây là khu vực tập trung nhiều mạch máu, cầm máu khó, để lấy bóc tách 1 phần bướu hoàn toàn khi mà u phát triển xuống trung thất và lan đến đỉnh phổi thì rất nguy hiểm. Nếu không có kinh nghiệm và chuyên môn tốt có thể gây tổn thương làm rách đỉnh phổi, màng phổi và gây chảy máu tràn khí, tràn máu phổi, màng phổi. Vì vậy, để an toàn trong quá trình mổ, kíp mổ đã dự phòng 2 đơn vị máu cùng nhóm và chọn phương pháp vô cảm là mê nội khí quản để đảm bảo đường thở được thông suốt trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, ca mổ hoàn toàn thành công, cầm máu tốt và không phải truyền máu dự phòng.”
Cũng theo Bác sĩ Hoàng Văn Phong, từ khi thành lập khoa Ngoại Châm tê đến nay, Bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho hơn 6000 ca bướu cổ. Trong đó có khoảng 50 ca khó với kích thước u bướu “khổng lồ” độ IV, độ V. Đặc biệt có khoảng 10 ca bệnh nặng, bướu cổ to phát triển lan xuống phổi (bướu cổ trung thất). Tuy nhiên gần 10 năm trở lại đây, bệnh nhân bị bướu to và lan xuống phổi như bệnh nhân Phường thế này là ít gặp hơn, do người bệnh phát hiện bệnh sớm nhờ kiểm tra sức khỏe định kỳ, nên được điều trị ngay khi bướu còn bé, ở độ I, độ II. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng đầy đủ muối I-ốt cũng giúp tỉ lệ người mắc u bướu giảm đáng kể.
Phẫu thuật bóc tách u bướu, đặc biệt là khối u có kích thước lớn như vậy là kỹ thuật rất khó, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm về phẫu thuật tuyến giáp. Mỗi ca phẫu thuật gồm 1 kíp mổ và 1 kíp gây mê. Kíp mổ bao gồm 1 bác sĩ chính, 2 bác sĩ phụ mổ, 1 kĩ thuật viên; kíp gây mê gồm 1 bác sĩ gây mê chính, 1 bác sĩ gây mê phụ và 1 KTV gây mê, ngoài ra còn có các điều dưỡng chạy ngoài... để đảm bảo ca mổ suôn sẻ, thành công.
Được biết, ca phẫu thuật được tiến hành trong 3 giờ đồng hồ ngày 23/04/2021. Sau phẫu thuật 30 phút, bệnh nhân đã tỉnh, khi rút ống nội khí quản bệnh nhân đã tự thở được. 1 tiếng sau mổ bệnh nhân nói được rõ ràng. Bệnh nhân dần dần hồi phục sức khỏe sau 24 giờ, tự ăn cháo được. Bệnh nhân và gia đình rất vui mừng, nếu tình trạng tiến triển tốt thì khoảng 5- 7 ngày bệnh nhân sẽ ra viện.
Video phẫu thuật bóc tách u bướu:
Phòng Công tác xã hội/ BVCCTW