Nhiều người sau mắc COVID-19 bị đầy bụng, chán ăn. 3 vị thuốc sau có thể sử dụng trong trường hợp này, giúp giảm đầy bụng, ăn ngon miệng hơn.
Đầy bụng, chán ăn là những biểu hiện rất hay gặp của hội chứng rối loạn tiêu hóa. Tuy các triệu chứng này không nguy hiểm tới tính mạng nhưng kéo dài đã khiến cơ thể mệt mỏi, xanh xao, thiếu chất...
COVID-19 xâm nhập và tấn công trực tiếp vào hệ tiêu hóa nhờ gắn kết với một thụ thể men chuyển tên là angiotensin 2 (ACE2). ACE2 có rất nhiều tại các cơ quan tiêu hóa, từ gan mật đến đường tiêu hóa (thực quản – dạ dày – tá tràng – đại trực tràng).
Ngay tại thời điểm nhiễm COVID-19 và thời gian sau khi đã điều trị khỏi, người bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu về tiêu hóa như: Tiêu chảy, chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn và nôn, đầy bụng, đau bụng…
Theo PGS.TS. Trịnh Thị Diệu Thường – Trưởng khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, một số vị thuốc có thể trị chứng đầy bụng, chán ăn hậu COVID-19 trong đó có sơn tra, hoài sơn, bạch biển đậu...
- Sơn tra
Sơn tra, còn gọi là quả chua chát, dùng phổ biến trong các bài thuốc chữa rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu...
Theo các nghiên cứu hiện đại, sơn tra có hàm chứa các chất đường, acid hữu cơ, vitamin C... có tác dụng tăng cường men tiêu hóa trong dịch vị, trợ giúp cho quá trình tiêu hóa.
Quả sơn tra tính ấm, có tác dụng tiêu thực, chữa đầy bụng, ợ chua, cầm tiêu chảy. Liều dùng trung bình mỗi ngày 10–20g dưới dạng bột, viên, hoặc cao lỏng.
Bài thuốc từ sơn tra:
- Bài 1: Sơn tra 25g, củ sả 25g, chỉ xác 25g, vỏ vối 25g, vỏ quýt 25g, củ gấu 40g, gừng tươi 20g, phèn phi 10g.
Cách dùng: Tất cả phơi khô, sao giòn, tán bột mịn. Người lớn mỗi lần uống hai thìa cà phê với nước ấm. Trẻ em uống từ nửa thìa đến một thìa cà phê tùy tuổi.
- Bài 2: Sơn tra (sao cháy) 12g, củ sả 12g, vỏ quýt 16g.
Cách dùng: Cho các vị vào ấm đổ vào 500ml nước, sắc lấy 200ml. Người lớn chia làm hai lần uống trong ngày. Trẻ em tùy tuổi chia làm 3–4 lần uống.
- Bài 3: Sơn tra rang cháy 10g, đường đỏ vừa phải. Sắc uống. Công dụng: Trị rối loạn tiêu hóa.
- Bài 4: Sơn tra 10g, mầm lúa mạch rang 10g. Ủ nước sôi, uống nhiều lần thay trà. Dùng cho người bị bệnh phát ban, trẻ em bị bệnh mới khỏi, tiêu hóa kém.
- Bài 5: Sơn tra 20g, bạch truật 20g, thần khúc 10g. Sắc 2 nước, trộn đều, uống ngày 1 thang chia 2 lần. Dùng cho người ăn không tiêu, đầy bụng, đau bụng, ấm ách.
- Bài 6: Sơn tra, thanh bì, mộc hương, liều lượng bằng nhau. Tất cả nghiền bột, mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần, chiêu với nước sôi. Dùng khi thức ăn tích trệ, không tiêu, bụng trướng đầy.
- Bài 7: Sơn tra sống 20g, mầm mạch sao 20g. Sắc uống. Trị tiêu hóa không tốt, nôn oẹ.
- Hoài sơn
Hoài sơn là vị thuốc được chế biến từ củ mài. Tác dụng: Bổ tỳ, ích khí, uống lâu ngày tai mắt đều rõ (Sách Bản kinh); sung ngũ tạng, trừ phiền nhiệt, cường âm (Sách Biệt lục); dưỡng vị, sinh tân, ích phế, bổ thận, sáp tinh (Trung Quốc dược điển); kiện tỳ, bổ phế, cố thận, ích tinh (Trung dược Đại từ điển).
Theo BS. Đặng Văn Nam - Hội Đông y Việt Nam, bài thuốc trị tỳ vị hư yếu, không muốn ăn uống có hoài sơn gồm: Hoài sơn, bạch truật đều 40g, nhân sâm 1,2g. Tán bột, trộn với hồ làm hoàn. Ngày uống 8-12g với nước cơm, lúc đói.
Hoặc: Hoài sơn, đảng sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo mỗi vị 40g; liên nhục 20g, sa nhân 20g, cát cánh 20g, ý dĩ 30g, đậu ván trắng 30g. Tất cả nghiền bột, mỗi lần uống 10 - 12g, ngày 2 - 3 lần, chiêu với nước sắc đại táo. Tác dụng ích khí, kiện tỳ, chỉ tả.
Dược thiện từ củ mài:
- Cháo củ mài: Hoài sơn 30g, gạo nếp 50g, nấu cháo, thêm đường trắng hoặc muối ăn tùy ý. Ăn quanh năm vào bữa phụ sáng và tối, ăn nóng. Thích hợp cho người tỳ vị hư, tiêu chảy, hội chứng lỵ mạn tính, hư lao, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, táo bón.
- Cháo củ mài ý dĩ: Hoài sơn 30g, ý dĩ 30g, hạt sen bỏ tâm 15g, đại táo 10 quả, gạo tẻ 50 - 100g. Tất cả nấu cháo, thêm đường hoặc muối, ăn khi đói. Dùng tốt cho người tỳ vị hư, ăn kém chậm tiêu, trướng bụng, tiêu chảy, mệt mỏi toàn thân.
- Bột gạo củ mài: Củ mài 100g, khiếm thực 100g, xuyên tiêu 30g, gạo nếp 1.000g, đường trắng 30g. Gạo nếp ngâm 1 đêm, vo sạch, để khô, rang chín, tán bột. Củ mài, khiếm thực, xuyên tiêu đều sao qua, tán bột. Trộn đều hai thứ bột. Mỗi lần ăn, lấy 30 - 60g pha với nước sôi, thêm đường trắng. Dùng tốt cho người ăn kém, chậm tiêu do tỳ vị hư nhược.
Kiêng kỵ: Người có thấp nhiệt thực tà không được dùng.
- Bạch biển đậu
Bạch biển đậu còn gọi là đậu ván trắng, đậu bạch biển, biển đậu, bạch đậu.
Theo lý luận đông y, bạch biển đậu có vị ngọt, hơi ôn, không độc vào hai kinh tỳ và vị chủ trị hòa trung, hạ khí dùng làm thuốc bổ tỳ vị, chỉ tả lỵ, phiền khát chữa các chứng đau bụng, xích bạch đới, giải độc, trúng độc.
Ngày dùng 8 - 16g dưới dạng thuốc sắc hay uống bột.
Nguồn: Báo Sức khoẻ & Đời sống