0
TÁC DỤNG GIẢM TIẾN TRIỂN CO CỨNG CƠ TRONG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG BỆNH NHÂN LIỆT NỬA NGƯỜI SAU NHỒI MÁU NÃO BẰNG ĐIỆN CHÂM KẾT HỢP XE ĐẠP TẬP

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Co cứng cơ là một biến chứng thường thấy của đột quỵ, có tác động tiêu cực tới 20%-50% những người sống sót sau đột quỵ, làm tăng chi phí gấp gần 4 lần so với các bệnh nhân không có co cứng cơ.

Độ co cứng cơ tăng làm chậm quá trình hồi phục và ảnh hưởng tới các hoạt động vận động của bệnh nhân. Co cứng cơ làm hạn chế vận động chức năng, di chuyển, tăng đau và co rút khớp ảnh hưởng tới hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong đột quỵ nhồi máu não, giai đoạn đầu đa số liệt mềm, dần dần theo thời gian tiến triển thành liệt cứng, các phương pháp tác động chủ yếu nhằm hạn chế mức độ co cứng cơ. Điều trị phục hồi chức năng co cứng sau đột quỵ bao gồm dùng thuốc, tiêm độc tố botulium A, kích thích điện thần kinh cơ, vận động trị liệu với các dụng cụ hỗ trợ tập vận động, vật lý trị liệu…tuy nhiên vẫn còn tới hơn nửa số bệnh nhân sống sót sau đột quỵ còn tình trạng co cứng. Điện châm từ lâu đã cho thấy có tác dụng phục hồi chức năng vận động sau đột quỵ não cũng như làm giảm co cứng cơ. Để tăng cường hiệu quả của điện châm, các cơ sở YHCT thường kết hợp với một phương pháp tập vận động đơn giản, có hiệu quả và ít tốn kém. Trong đó, xe đạp tập được sử dụng rộng rãi vì đáp ứng được các yêu cầu trên và là dụng cụ hỗ trợ tập vận động có thể đáp ứng được hầu hết các hình thức tập vận động để đạt được mục đích của vận động trị liệu và mục tiêu của PHCN sau đột quỵ.

Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài nhằm mục tiêu: “Đánh giá tác dụng giảm tiến triển co cứng cơ trong phục hồi chức năng bệnh nhân liệt nửa người sau nhồi máu não bằng điện châm kết hợp xe đạp tập”.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Gồm 120 bệnh nhân liệt nửa người do nhồi máu não sau giai đoạn cấp, ổn định các rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh… đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, tinh thần tỉnh táo hợp tác với thầy thuốc, đồng ý và tự nguyện tham gia nghiên cứu.

2.1.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân

Bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhồi máu não trên lâm sàng (có liệt nửa người) và cận lâm sàng (chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não. Bệnh nhân được khám theo y học cổ truyền thông qua bát cương, tứ chẩn mà chia ra các thể Hư chứng và Thực chứng.

2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân

- Bệnh nhân chảy máu não, bệnh nhân có bệnh lý ở tim, bệnh phổi mạn tính, bệnh khớp, bệnh lý về máu, sau mổ, sau đẻ, phụ nữ có thai.

- Bệnh nhân NMN có kèm theo các bệnh: lao, rối loạn tâm thần, HIV/AIDS.

- Những bệnh nhân không hợp tác nghiên cứu, không tham gia đủ thời gian điều trị, bệnh nhân đang điều trị có triệu chứng nặng dần lên, đe dọa tính mạng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu tiến cứu can thiệp lâm sàng có đối chứng, so sánh trước và sau điều trị, gồm 120 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn được chia thành hai nhóm theo phương pháp ghép cặp (tương đồng về tuổi, giới):

+ Nhóm nghiên cứu: 60 bệnh nhân điều trị bằng điện châm kết hợp xe đạp tập.

+ Nhóm đối chứng: 60 bệnh nhân được điều trị bằng điện châm.

2.3. Phương pháp điều trị

Hai nhóm được điều trị thống nhất phác đồ nền (thủy châm, xoa bóp bấm huyệt) và dự phòng đột quỵ: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ...

2.3.1. Điện châm

Áp dụng phác đồ huyệt đạo theo công thức huyệt và thủ pháp bổ tả tùy theo các thể bệnh y học cổ truyền. Liệu trình điều trị mỗi ngày một lần, mỗi lần 30 phút, mỗi tuần 6 lần. Một liệu trình điều trị 30 lần châm.

2.3.2. Tập xe đạp

Chương trình chia làm hai giai đoạn: tập tay và tập chân, mỗi giai đoạn 15 phút với sự hỗ trợ của máy tập tùy theo sức cơ mà có thể tập thụ động, tập chủ động, tập có kháng trở.

- Tập thụ động: khi sức cơ bậc 0, 1, 2; sau khi cố định chân hoặc tay lên bàn đạp, bật mô tơ với vận tốc 30 vòng/phút.

- Tập chủ động không kháng trở: khi sức cơ bậc 3.

- Tập chủ động có kháng trở: khi sức cơ bậc 4, 5.

Liệu trình: mỗi ngày tập 1 lần, mỗi lần 30 phút, mỗi tuần tập 6 ngày. Một liệu trình điều trị 30 lần tập.

2.4. Phương tiện nghiên cứu

2.4.1. Điện châm

- Kim châm cứu: Các loại kim châm cứu bằng thép không gỉ do Việt Nam sản xuất, có độ dài từ 6cm đến 20 cm.

- Bông cồn vô trùng, kẹp không mấu, khay quả đậu.

- Máy điện châm M8 do Bệnh viện Châm cứu Trung ương sản xuất.

2.4.2. Xe đạp tập

Thiết bị tập của hãng Reck, Đức, model Motomed viva 2. Thiết bị có 2 chế độ tập tay và tập chân riêng, sử dụng chương trình tiêu chuẩn (Standard mode) của thiết bị. Tập thụ động với sự trợ giúp của mô tơ, có thể điều chỉnh tốc độ tối đa 60 vòng/phút. Tập chủ động không có kháng trở và tập chủ động có kháng trở, điều chỉnh mức kháng trở từ 1 đến 20. Người bệnh có thể ngồi trên ghế hoặc xe lăn để thực hiện bài tập, có bao tay giúp cố định tay liệt vào tay nắm, có các dây đai cố định chân vào bàn đạp.

2.5. Các chỉ tiêu nghiên cứu

Các chỉ tiêu nghiên cứu được khám và đánh giá tại 2 thời điểm: khi vào viện và sau 1 tháng điều trị.

2.5.1. Đánh giá mức độ co cứng cơ bằng thang điểm Ashworth sửa đổi (Muscle Spasticity Modified Ashworth Scale): gồm 6 mức độ

- Các nhóm cơ được đánh giá độ co cứng: Cơ duỗi gối, Cơ gấp mặt lưng bàn chân, Cơ dang vai, Cơ gấp khuỷu tay.

- Cách xác định co cứng cơ: Không co cứng cơ: mức độ 0, 1. Co cứng cơ: Từ mức độ 1+.

- Đánh giá sự tiến triển của co cứng cơ trước và sau điều trị: Tốt: không tăng hoặc giảm độ co cứng. Khá: tăng 1 độ co cứng cơ. Kém: tăng từ 2 độ co cứng cơ.

2.5.3. Đánh giá mức độ độc lập chức năng theo thang điểm Barthel

Thang điểm có 10 nội dung với tổng số điểm là 100, được đánh giá các mức độ: Độc lập: tự lực hoạt động trong sinh hoạt: 90-100 điểm; Trợ giúp: trong sinh hoạt cần có sự trợ giúp: 30-85 điểm; Phụ thuộc hoạt động: 0-25 điểm.

2.6. Xử lý số liệu

Số liệu thu được trong nghiên cứu được phân tích, xử lý theo phương pháp thống kê y sinh học, sử dụng phần mềm thống kê SPSS 16.0.

Trích "Tạp chí Châm cứu Việt Nam - số 2/2021"

Mời quý vị đón đọc!

Toà soạn Tạp chí Châm cứu Việt Nam - 49 Thái Thịnh - Đống Đa - Hà Nội

ĐT: (024) 3562 6950

.