I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Viêm quanh khớp vai (VQKV) là một bệnh lý khớp thường gặp trong nhóm bệnh ở phần quanh khớp. Bệnh thường có biểu hiện là đau và hạn chế vận động khớp. Bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phương pháp điều trị nội khoa thường được Y học hiện đại (YHHĐ) sử dụng trong điều trị VQKV như dùng các nhóm thuốc giảm đau, chống viêm kết hợp vật lý trị liệu, tập vận động phục hồi chức năng trong điều trị [1]. Y học cổ truyền (YHCT) cũng có các phương pháp điều trị bệnh lý này có hiệu quả như dùng thuốc cổ truyền, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt [2], [3]…. Hiện nay, nhằm nâng cao tính an toàn và hiệu quả trong điều trị các bệnh lý khớp nói chung và VQKV nói riêng, khuynh hướng lựa chọn kết hợp một số phương pháp thông dụng thường được áp dụng trong điều trị của YHHĐ và YHCT đang được nhiều thầy thuốc lâm sàng quan tâm. Một phác đồ kết hợp được nhóm nghiên cứu lựa chọn là kết hợp 1 bài thuốc cổ phương của YHCT (bài thuốc Thư cân thang) với điện châm và vận động trị liệu để điều trị bệnh viêm quanh khớp vai đơn thuần. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi tập trung trình bày nội dung nghiên cứu(NC) về tác dụng cải thiện hoạt động khớp vai của phác đồ kết hợp trên với mục tiêu cụ thể là “Đánh giá hiệu quả cải thiện chức năng hoạt động khớp vai của bài thuốc Thư cân thang kết hợp điện châm và vận động trị liệu trên bệnh nhân viêm quanh khớp vai đơn thuần”.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1 Đối tượng NC:
2.1.1 Tiêu chuẩn lựa chọn:
- Là những bệnh nhân (BN) được chẩn đoán là VQKV đơn thuần theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Boissier MC (1992) với các triệu chứng lâm sàng gồm: Đau vai kiểu cơ học, hạn chế vận động chủ động, đau tăng khi vận động. Cận lâm sàng: XQ khớp vai quy ước không có tổn thương hoặc có thể có calci hóa dây chằng bao khớp, gai xương. Siêu âm: có thể có hình ảnh bình thường hoặc 1 trong các hình ảnh ở dưới đây: Hình ảnh gân nhị đầu đường kính gân tăng giảm âm thanh, ranh giới bao khớp không rõ ràng, hình ảnh bao thanh dịch dày lên, có dịch tại vùng bao thanh dịch có thể phối hợp với hình ảnh đứt gân mũ cơ quay, hình ảnh tăng hoặc giảm âm trong các gân khớp vai [4].
- Bệnh nhân >18 tuổi, tự nguyện tham gia NC và tuân thủ quy trình nghiên cứu.
2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ ra khỏi nghiên cứu
- Các bệnh VQKV không phải thể đơn thuần (thể giả liệt, thể đông cứng, thể đau vai cấp); Viêm quanh khớp vai do các nguyên nhân: thoái hóa cột sống cổ, viêm khớp vai do viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, gout, chấn thương hay do các tổn thương lồng ngực (can thiệp mạch vành, bệnh lý vùng trung thất, tổn thương đỉnh phổi); hoặc VQKV có kèm theo nhiễm khuẩn, có tổn thương rễ thần kinh thuộc cột sống cổ C5; bệnh Paget, hoại tử vô khuẩn đầu xương cánh tay, đau thần kinh teo cơ của Parsonage và Turner.
- Bệnh nhân đang dùng thuốc phương pháp điều trị khác như: thuốc giảm đau, corticoid, phụ nữ có thai, bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu hoặc không tuân thủ thời gian điều trị và phương pháp điều trị.
2.2 Chất liệu và phương tiện nghiên cứu
2.2.1 Thuốc NC:
Là bài Thư cân thang (Chứng trị chuẩn thằng) [5]. Thành phần gồm:
- Bạch truật (Rhizoma Atractylodis macrocephalae):12g,
- Chích cam thảo (Radix et Rhizoma Glycyrrhizae): 06g,
- Khương hoàng (Rhizoma Curcumae longae) : 12g,
- Xích thược (Radix Paeoniae Rubra):12g,
- Khương hoạt (Rhizoma et Radix Notopterygii) : 12g,
- Hải đồng bì (Cortex Erythrinae): 12g,
- Đương quy (Radix Angelicae sinensis): 12g.
Các vị thuốc sử dụng trong bài thuốc đạt tiêu chuẩn trong Dược điển Việt Nam V (DĐVN V) [6]. Dạng thuốc sử dụng trên lâm sàng: thuốc sắc. Thuốc được sắc cô bằng máy sắc tự động của Hàn Quốc, 1 thang sắc đóng làm 02 túi (thể tích mỗi túi là 150ml), ngày uống 2 lần, mỗi lần một túi, uống sau bữa ăn. Thời gian dùng thuốc: 20 ngày.
2.2.2 Phương tiện NC:
Các máy móc dụng cụ dùng trong điện châm: Kìm kẹp kim, bông cồn, hộp bông cồn, 1 hộp bông vô khuẩn, khay quả đậu, hộp chống sốc; kim châm cứu: Sử dụng kim châm cứu dùng 1 lần của hãng Đông Á kích thước 0.40x25mm, kim được tiệt trùng, mỗi hộp gồm 10 kim/vỉ x10 vỉ; máy điện châm M8 do Bệnh viện Châm cứu Trung ương sản xuất.
2.3 Địa điểm NC: Bệnh viện Châm cứu Trung ương.
2.4 Phương pháp NC:
2.4.1. Thiết kế NC: can thiệp lâm sàng, tiến cứu, so sánh trước sau điều trị và so sánh đối chứng.
2.4.2.Mẫu NC: gồm 60 BN đáp ứng tiêu chuẩn lựa chọn. BN được chia thành 2 nhóm là nhóm NC và nhóm đối chứng (ĐC), mỗi nhóm 30 BN, theo phương pháp ghép cặp đảm bảo tương đồng về tuổi, giới và mức độ bệnh.
Nhóm NC được sử dụng thuốc uống bài Thư cân thang kết hợp điện châm và tập vận động trị liệu; nhóm ĐC được áp dụng điện châm và tập vận động trị liệu. Liệu trình điều trị 20 ngày.
2.4.3 Các chỉ số theo dõi
- Chỉ số đặc điểm chung: tuổi, giới, mức độ bệnh
- Chỉ số đánh giá kết quả NC: Đánh giá tầm vận động khớp vai ở 3 động tác gồm dạng , xoay trong, xoay ngoài theo McGill-McROMI[7].
Chỉ số này được lượng giá ở các thời điểm sau: D0: Thời điểm đánh giá trước khi điều trị; D20: Thời điểm đánh giá sau 20 ngày điều trị.
2.4.4 Phương pháp đánh giá kết quả:
So sánh sự thay đổi các giá trị biên độ trung bình của các động tác vận động khớp vai (dạng , xoay trong, xoay ngoài) sau điều trị so với trước điều trị và so sánh giữa nhóm NC và nhóm ĐC.
2.4.5 Quy trình nghiên cứu:
- Cả hai nhóm đều được áp dụng điện châm và tập vận động khớp vai:
+ Điện châm: Công thức huyệt và thủ thuật điện châm theo Hướng dẫn của Bộ Y tế đối áp dụng cho điều trị VQKV thể đơn thuần [8].
+ Vận động trị liệu: Áp dụng bài tập vận động phục hồi chức năng khớp vai theo hướng dẫn cùa Bộ Y tế [9], [10].
BN được điện châm trước, sau đó nghỉ 15 phút rồi tập vận động khớp vai. Ngày làm 1 lần, liên tục trong 3 tuần, có nghỉ thứ 7 và chủ nhật.
- Ngoài ra nhóm NC được thêm bài thuốc ”Thư cân thang” dạng uống thuốc sắc, uống ngày 2 lần sau bữa ăn.Uống liên tục trong 20 ngày.
Trích "Tạp chí Châm cứu Việt Nam - số 2/2021"
Mời quý vị đón đọc!
Toà soạn Tạp chí Châm cứu Việt Nam - 49 Thái Thịnh - Đống Đa - Hà Nội
ĐT: (024) 3562 6950