Chiều 12-4, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội tổ chức họp trực tuyến với các quận, huyện, phường, xã để tiếp tục triển khai các biện pháp không để COVID-19 lây lan và phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp.
Ông Hoàng Đức Hạnh - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết từ ngày 5 đến 12-4, Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc mới là các trường hợp từ nước ngoài về, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Trong vòng 2 tháng qua, Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Theo ông Hạnh, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội và cả nước đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn ở mức cao vì dịch bệnh tại các nước ở khu vực Đông Nam Á vẫn gia tăng, đặc biệt là Campuchia, ngoài ra Lào cũng ghi nhận trường hợp mắc ngoài cộng đồng sau 1 năm không ghi nhận.
"Hai nước này có đường biên giới tiếp giáp nhiều với Việt Nam, nên nguy cơ nhập cảnh trái phép vào nội địa và nguy cơ dịch bệnh xâm nhập theo vào nước ta" - ông Hạnh nói.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết đến nay thành phố đã tổ chức tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 8.047 người, vượt chỉ tiêu đề ra. Các trường hợp này sức khỏe đều bình thường sau tiêm.
"Trong đợt 2 (được phân bổ 53.000 liều), Hà Nội sẽ ưu tiên cho nhóm nhân viên y tế và thành viên tổ giám sát COVID-19 cộng đồng. Trong năm 2021, thành phố dự trù tiêm vắc xin cho 350.000 người. Đến năm 2022, sẽ có thêm nhiều nguồn vắc xin, trong đó có vắc xin của Việt Nam sản xuất giá rẻ hơn thì đối tượng được tiêm sẽ mở rộng" - bà Hà thông tin thêm.
Phó chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nêu rõ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng với Việt Nam, hiện đang hết sức phức tạp… Hà Nội vẫn xác định công tác phòng chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới.
Ông Dũng yêu cầu tiếp tục tăng cường, kiểm soát chặt chẽ công tác phòng chống COVID-19. "Không được lơ là từ ngay chính ban chỉ đạo các cấp. Có những cuộc họp có đơn vị vẫn không có lãnh đạo dự, cần rút kinh nghiệm ngay" - ông Dũng nhấn mạnh.
Về việc tiêm vắc xin, ông Dũng cho rằng đợt 2 quy mô lớn hơn nhiều nên Sở Y tế cần làm bài bản từ khâu tuyên truyền, tập huấn, quy trình tiêm chủng phải thực hiện nghiêm túc từ khám sàng lọc đến theo dõi sau tiêm, hạn chế tối đa các tình huống xấu xảy ra do chủ quan…
"Số lượng, danh sách người trong diện được tiêm chủng đợt 2 cần phải đúng đối tượng, đúng quy định, không để sai sót làm mất niềm tin của người dân" - phó chủ tịch UBND thành phố nói.
Dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 82 trường hợp mắc tay chân miệng ở 28 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc có xu hướng gia tăng thời gian gần đây và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bệnh chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ, trẻ dưới 5 tuổi.
Để phòng chống dịch bệnh, ông Hạnh đề nghị các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học, khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để có biện pháp cách ly, điều trị kịp thời.
Theo Chí Tuệ/ Báo Tuổi trẻ