Phạm Hồng Vân*, Đàm Túy Minh**,
Ngô Chiến Thuật* ,Nguyễn Minh Hà ***
TÓM TẮT
Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá nhu cầu kết hợp Y học cổ truyền (YHCT), Y học hiện đại (YHHĐ) trong kiểm soát và điều trị bệnh tăng huyết áp (THA) của người bệnh tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền (BV YDCT) Tây Ninh. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên tất cả bệnh nhân (BN) được chẩn đoán THA đến khám và điều trị tại BV YDCT Tây Ninh trong thời gian từ tháng 03/2022 đến 8/2022. Kết quả: có 73,9% số người bệnh có tìm hiểu thông tin YHCT trong điều trị THA, trong đó 50% số BN tìm hiểu thông tin qua nhân viên y tế, 46,6% qua các buổi tuyên truyền kiến thức YHCT, 41,1% qua các trạm y tế phường xã, 29,5% qua hệ thống internet. Có 67,85% số người bệnh có nhu cầu điều trị kết hợp YHCT, YHHĐ. Phương pháp điều trị mà người bệnh THA lựa chọn nhiều nhất là được dùng thuốc tây y kết hợp với thuốc đông y và giáo dục thay đổi lối sống (30,89%), 12,15% số BN chọn kết hợp thuốc tây y với phương pháp không sử dụng thuốc của YHCT và giáo dục thay đổi lối sống. Lý do người bệnh không chọn YHCT để điều trị THA là vì điều trị bằng YHCT lâu khỏi, không tác dụng (chiếm 53,54%), 51,18% cho rằng thuốc YHCT bất tiện khi sử dụng, 40,94% không có thông tin về thuốc YHCT. Kết luận: Cần mở rộng truyền thông, giáo dục kiến thức về vai trò của YHCT trong chăm sóc sức khỏe giúp người dân hiểu biết hơn về YHCT nói chung và vai trò của YHCT trong điều trị THA nói riêng, góp phần giảm nguy cơ và biến chứng của THA trong cộng đồng.
Từ khóa: Nhu cầu kết hợp , y học cổ truyền, tăng huyết áp.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng huyết áp (THA) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Bệnh diễn biến âm thầm, tiến triển kéo dài từ 15-20 năm mà người bệnh không biết. THA có thể là nguyên nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội [1], [2].
Ngày nay, mặc dù sự ra đời và phát triển của Y học hiện đại, điển hình là phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Tây là một thành tựu to lớn và có ý nghĩa của loài người, tuy nhiên YHCT vẫn có vị thế và vai trò quan trọng, Y dược cổ truyền Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân [3]. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh được hiệu quả của YHCT trong kiểm soát và điều trị các bệnh lý của xã hội hiện đại như béo phì, tăng huyết áp…[4], [5].
Tây Ninh là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nối cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có dáng dấp, sắc thái của vùng đồng bằng với đặc điểm là 82,2% dân số sống tại nông thôn, đời sống kinh tế người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Theo báo cáo thống kê tình hình bệnh tật 3 năm (2016- 2018) của Bệnh viện Y Dược cổ truyền (BV YDCT) tỉnh Tây Ninh thì tỉ lệ bệnh nhân THA ngày càng tăng, năm 2016, số người bệnh THA đến khám và điều trị tại BV chiếm 3,46% tổng số BN, đến năm 2018, con số này đã tăng lên 8,07%. Chính vì vậy, việc tìm ra các phương pháp an toàn, hiệu quả để điều trị và kiểm soát huyết áp (HA) là rất cần thiết.
Để có căn cứ tìm ra các giải pháp can thiệp góp phần nâng cao hiệu quả trong điều trị và kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp nói riêng và tăng cường sử dụng Y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe người dân tại tỉnh Tây Ninh nói chung, chúng tôi tiến hành nghiên cứu nhằm mục tiêu: Đánh giá nhu cầu kết hợp Y học cổ truyền, Y học hiện đại trong kiểm soát bệnh tăng huyết áp của người bệnh tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Tây Ninh năm 2022.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu: Là bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp theo JNC VII [6], đến khám và điều trị tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Tây Ninh trong thời gian từ tháng 03/2022 đến tháng 8/2022.
2.2. Phương pháp nghiên cứu:
2.2.1. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu dịch tễ học mô tả cắt ngang có phân tích.
2.2.2. Chỉ số nghiên cứu và cách xác định các chỉ số nghiên cứu: các chỉ số nghiên cứu được tiến hành đánh giá tại thời điểm vào viện, người bệnh được phỏng vấn bằng phiếu điều tra, gồm:
- Kiến thức của người bệnh về việc tìm hiểu thông tin về YHCT và sử dụng YHCT trong kiểm soát và điều trị THA,
- Nhu cầu của người bệnh về kiểm soát và điều trị THA bằng YHCT.
2.2.3. Xử lý số liệu: Số liệu nghiên cứu được xử lý bằng thuật toán thống kê y sinh học trên phần mềm SPSS 20.0.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Kiến thức của người bệnh về việc tìm hiểu thông tin về YHCT và sử dụng YHCT trong kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp
Bảng 3.1. Việc tìm hiểu thông tin về Y học cổ truyền trong kiểm soát
và điều trị tăng huyết áp của người bệnh (n=395)
Thông tin về Y học cổ truyền trong kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp | Số lượng | Tỷ lệ | |
Tìm hiểu thông tin về YHCT | Có | 292 | 73,92 |
Không | 103 | 26,08 | |
Nơi tìm hiểu | Hệ thống internet | 86 | 29,45 |
Sách báo, tạp chí sức khỏe | 106 | 36,30 | |
Buổi tuyên truyền kiến thức YHCT | 136 | 46,58 | |
Trạm y tế phường, xã | 120 | 41,09 | |
Câu lạc bộ YHCT | 117 | 40,07 | |
Khác (tư vấn bác sĩ, bảng thông tin bệnh viện, người quen….) | 146 | 50,0 |
Nhận xét: Số người bệnh có tìm hiểu thông tin về YHCT trong kiểm soát bệnh THA chiếm tỷ lệ cao (73,92%), trong đó 40,07% số người bệnh tìm hiểu thông tin về YHCT qua các câu lạc bộ YHCT, 46,58% qua các buổi tuyên truyền kiến thức YHCT, 41,09% qua trạm y tế phường xã, 36,30% qua sách báo, tạp chí sức khỏe và 29,45% qua internet.
Bảng 3.2. Kiến thức của người bệnh về Y học cổ truyền trong
kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp (n=395)
Kiến thức Y học cổ truyền trong kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp | Số lượng | Tỷ lệ |
Biết thuốc YHCT có thể hỗ trợ kiểm soát bệnh THA | 224 | 56,71 |
Kể được tên cây thuốc YHCT có thể hỗ trợ điều trị THA | 212 | 53,67 |
Kể được tên chế phẩm thuốc YHCT có thể hỗ trợ điều trị THA | 208 | 52,66 |
Biết phương pháp YHCT không dùng thuốc có thể hỗ trợ điều trị THA | 178 | 45,06 |
Kể được tên các phương pháp YHCT không dùng thuốc có thể hỗ trợ điều trị THA | 136 | 46,60 |
Nhận xét: 56,71% số người bệnh biết được YHCT có thể hỗ trợ điều trị được THA, có từ 45,06% đến 53,67% số người bệnh biết các thuốc/chế phẩm/phương pháp YHCT có thể hỗ trợ điều trị THA.
3.2. Nhu cầu kết hợp Y học cổ truyền, Y học hiện đại trong kiểm soát bệnh tăng huyết áp của người bệnh
Bảng 3.3. Nhu cầu kết hợp Y học cổ truyền, Y học hiện đại
trong kiểm soát bệnh tăng huyết áp (n=395)
Nhu cầu kết hợp Y học cổ truyền, Y học hiện đại trong việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp | Số lượng | Tỷ lệ | |
Có nhu cầu điều trị kết hợp YHCT với YHHĐ không? | Có | 268 | 67,85 |
Không | 127 | 32,15 |
Nhận xét: Có 67,85% số người bệnh có nhu cầu điều trị kết hợp YHCT- YHHĐ trong kiểm soát bệnh THA.
Bảng 3.4. Nhu cầu kết hợp Y học cổ truyền, Y học hiện đại
trong kiểm soát và điều trị tăng huyết áp (n=395)
Phương pháp điều trị kết hợp | Số lượng | Tỷ lệ |
Thuốc tây y + giáo dục thay đổi lối sống | 127 | 32,15 |
Thuốc tây y + thuốc đông y + giáo dục thay đổi lối sống | 122 | 30,89 |
Thuốc tây y + PP không dùng thuốc của YHCT + giáo dục thay đổi lối sống | 48 | 12,15 |
Thuốc tây y + thuốc đông y + phương pháp không dùng thuốc của YHCT + giáo dục thay đổi lối sống | 98 | 24,81 |
Tổng | 395 | 100 |
Nhận xét: Phương pháp điều trị mà người bệnh mong muốn được điều trị kết hợp nhiều nhất là dùng thuốc tây y kết hợp giáo dục thay đổi lối sống (30,89%).
Bảng 3.5. Lý do không muốn điều trị kết hợp Y học cổ truyền,
Y học hiện đại trong kiểm soát THA (n=127)
Lý do không muốn điều trị kết hợp Y học cổ truyền, Y học hiện đại trong kiểm soát THA | Số lượng | Tỷ lệ |
Không tin tưởng YHCT | 58 | 45,67 |
Lâu khỏi, không tác dụng | 68 | 53,54 |
Thuốc YHCT đắt hơn thuốc YHHĐ | 64 | 50,39 |
Bất tiện khi sử dụng | 65 | 51,18 |
Thuốc YHHĐ sẵn có, dễ kiếm | 63 | 49,61 |
Không biết về YHCT | 52 | 40,94 |
Khác | 37 | 29,13 |
Nhận xét: Trong số 127 bệnh nhân không muốn điều trị kết hợp, thì lý do không tin tưởng vào thuốc YHCT (chiếm 45,67%), vì thuốc YHCT bất tiện khi sử dụng và lâu khỏi (51,18%), vì không biết về thuốc YHCT (chiếm 40,94%).
- BÀN LUẬN
4.1. Đặc điểm kiến thức Y học cổ truyền trong kiểm soát và điều trị tăng huyết áp.
Để có căn cứ tìm ra các giải pháp can thiệp tăng cường sử dụng Y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe người dân tại tỉnh Tây Ninh nói chung và kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp nói riêng, trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, đánh giá kiến thức của người bệnh về YHCT trong kiểm soát tăng huyết áp.
- Việc tìm hiểu thông tin về YHCT trong điều trị và kiểm soát THA của người bệnh: Kết quả nghiên cứu được trình bày ở bảng 3.1 cho thấy, trong tổng số 395 người bệnh THA đến khám và điều trị tại bệnh viện trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2022 có 292/395 (73,92%) số người bệnh có tìm hiểu thông tin về YHCT trong kiểm soát bệnh lý THA. Thông tin về YHCT trong kiểm soát và điều trị THA thường được người bệnh tìm hiểu thông qua tư vấn của bác sĩ hay xem bảng thông tin của bệnh viện hoặc qua người quen giới thiệu chiếm 50%, 40,07% số người bệnh tìm hiểu thông tin về YHCT qua các câu lạc bộ YHCT, 46,58% qua các buổi tuyên truyền kiến thức YHCT, 41,09% qua trạm y tế phường xã, 36,30% qua sách báo, tạp chí sức khỏe và 29,45% tìm hiểu thông qua internet.
Người bệnh tìm hiểu thông tin về YHCT trong kiểm soát và điều trị bệnh tăng huyết áp qua tư vấn của bác sĩ/bảng thông tin bệnh viện hay những người bệnh giống như mình chiếm 50%. Kiến thức người bệnh có được thông qua các buổi tuyên truyền kiến thức YHCT trong cộng đồng là không cao (46,58%), đặc biệt qua sách báo, tạp chí hay internet chiếm tỷ lệ thấp (29,45%).
Qua các kết quả trên cho thấy, người bệnh đã có những hiểu biết nhất định về YHCT nói chung và YHCT trong kiểm soát THA nói riêng cho nên số người bệnh có tìm hiểu thông tin về YHCT trong kiểm soát và điều trị bệnh tăng huyết áp chiếm tỷ lệ khá cao (73,92%), nhưng việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức trong cộng đồng chưa được phong phú và hiệu quả. Do đó, để đạt được mục tiêu tuyên truyền rất cần thiết phải có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về YHCT cho người bệnh để người bệnh biết nhiều hơn về ích lợi của YHCT trong công tác chăm sóc sức khoẻ nói chung cũng như kiểm soát và điều trị bệnh tăng huyết áp nói riêng. Người bệnh có thể sử dụng YHCT nhiều hơn nữa. Đặc biệt là tuyên truyền vận động để người bệnh hiểu hơn về vai trò của việc trồng và sử dụng cây thuốc tại vườn nhà trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Bệnh viện Y Dược cổ truyền Tây ninh có thể triển khai các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề về các bệnh thường gặp có sự tham gia của người bệnh. Thông qua đó giúp người bệnh hiểu hơn về những lợi ích mà YHCT đem lại trong chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Ngoài ra, bệnh viện còn có thể thành lập câu lạc bộ người bệnh tăng huyết áp dưới sự giám sát của đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn, để có thể giải đáp thắc mắc cho người bệnh cũng như giúp các bệnh nhân có thể trao đổi kinh nghiệm với nhau về bệnh tăng huyết áp.
- Kiến thức của người bệnh về YHCT trong kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp: Qua bảng 3.2. cho thấy có 56,71% số người bệnh biết được YHCT có thể hỗ trợ điều trị được THA, 53,67% số người bệnh kể được tên của cây thuốc YHCT, 52,66% kể được tên chế phẩm thuốc YHCT, 45,06% kể được tên của phương pháp không dùng thuốc của YHCT có thể hỗ trợ điều trị THA. Kết quả này cho thấy, bước đầu người bệnh THA đến điều trị tại BV YDCT Tây Ninh đã có kiến thức về YHCT trong kiểm soát, điều trị bệnh lý THA, tuy nhiên kiến thức về cây thuốc của người bệnh còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ứng dụng các phương pháp không sử dụng thuốc trong kiểm soát và điều trị bệnh lý THA
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên quan giữa kiến thức chung về bệnh lý và mức độ tuân thủ điều trị. Những BN không hiểu THA là bệnh tiến triển âm thầm và có thể không biểu hiện triệu chứng, những BN không hiểu rõ về mục đích của phác đồ điều trị cũng như tác dụng không mong muốn có thể xảy ra, dẫn đến những quan niệm sai lầm về thuốc dẫn đến tâm lý chủ quan, làm giảm khả năng tuân thủ điều trị [7], [8], [9].
4.2. Bàn về nhu cầu kết hợp Y học cổ truyền, Y học hiện đại trong việc kiểm soát tăng huyết áp của người bệnh
Kết quả nghiên cứu được trình bày ở bảng từ 3.3 đến 3.5 cho thấy, có 268/395 người bệnh tăng huyết áp (chiếm 67,85%) có nhu cầu điều trị kết hợp Y học cổ truyền, Y học hiện đại. Về các phương pháp điều trị mà người bệnh THA muốn được điều trị nhiều nhất là được dùng thuốc tây y kết hợp với thuốc đông y và giáo dục thay đổi lối sống (30,89%). Điều trị kết hợp cả dùng thuốc tây y, thuốc đông y, phương pháp không sử dụng thuốc của Y học cổ truyền và giáo dục thay đổi lối sống chỉ chiếm 24,81%; Phương pháp kết hợp thuốc tây y với phương pháp không sử dụng thuốc của Y học cổ truyền và giáo dục thay đổi lối sống chiếm 12,15%.
Để tìm hiểu rõ hơn lý do tại sao người bệnh THA không muốn dùng Y học cổ truyền để điều trị, chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên 127 người bệnh THA nhưng không muốn kết hợp YHCT- YHHĐ để điều trị. Kết quả nghiên cứu được trình bày ở bảng 3.5 cho thấy có 53,54% số người được khảo sát có ý kiến cho rằng điều trị bằng Y học cổ truyền lâu khỏi, không tác dụng, 51,18% cho rằng thuốc Y học cổ truyền bất tiện khi sử dụng, thuốc Y học cổ truyền đắt hơn thuốc Y học hiện đại (50,39%) và không tin tưởng Y học cổ truyền (45,67%). Ngoài ra vẫn có 40,94% số người không biết gì về YHCT và YHCT có thể điều trị THA.
Như vậy, lý do bất tiện khi sử dụng trong nghiên cứu này chiếm tỷ lệ cao nhất (51,18%). Vấn đề này trong nhiều đánh giá của Bộ Y tế đã coi đó là tồn tại mà nguyên nhân chính là do Y học cổ truyền chậm hiện đại hoá, chưa cải tiến được dạng thuốc cổ truyền, việc sử dụng các phương pháp Y học cổ truyền đôi khi không thuận tiện, nhất là đối với nhóm thanh niên, những người đang còn ở độ tuổi lao động, họ không có thời gian để sắc thuốc, đồng thời công tác tuyên truyền chưa được tiến hành thường xuyên, phương pháp, thời gian tuyên truyền chưa hợp lý. Một lý do hiện nay số người sử dụng Y học cổ truyền thấp hơn so với thời gian trước là do một số loại thuốc Y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thuốc không đảm bảo, nhiều trường hợp bệnh nhân đã bị ngộ độc chì, nhiễm độc kim loại nặng sau khi sử dụng thuốc Y học cổ truyền không rõ nguồn gốc đã gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc mạnh hơn nữa của ngành y tế, các ban ngành có liên quan và chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh, buôn bán các sản phẩm thuốc sử dụng cho người
Để nâng cao hơn nữa kiến thức của BN về bệnh lý THA, cần mở rộng truyền thông về vài trò của YHCT trong chăm sóc sức khoẻ đến người dân, bên cạnh đó cần tăng cường triển khai mô hình giáo dục kiến thức cho người bệnh tại cộng đồng, để người dân có thêm những kiến thức và hiểu biết nhiều hơn đối với ngành YHCT nói chung và với bệnh lý THA nói riêng, góp phần quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ của THA, tăng cường dự phòng ở người chưa mắc THA và kiểm soát tốt hơn huyết áp của bản thân và phòng được biến chứng của tăng huyết áp ở người mắc bệnh.
- KẾT LUẬN
Qua khảo sát nhu cầu kết hợp Y học cổ truyền, Y học hiện đại trong kiểm soát và điều trị bệnh tăng huyết áp trên 395 người bệnh tăng huyết áp đến khám và điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tây Ninh từ tháng 03/2022 đến 8/2022, chúng tôi rút ra các kết luận sau:
- Có 73,9% số người bệnh có tìm hiểu thông tin YHCT điều trị bệnh lý THA, trong đó 50% BN tìm hiểu thông tin qua nhân viên y tế, 46,6% qua các buổi tuyên truyền kiến thức YHCT, 41,1% qua các trạm y tế phường xã chỉ có một lượng nhỏ (29,5%) được tìm hiểu thông qua hệ thống internet.
- Có 268/395 người bệnh tăng huyết áp (chiếm 67,85%) có nhu cầu điều trị kết hợp Y học cổ truyền, Y học hiện đại. Phương pháp điều trị mà người bệnh THA lựa chọn nhiều nhất là được dùng thuốc tây y kết hợp với thuốc đông y và giáo dục thay đổi lối sống (30,89%), 12,15% số BN chọn kết hợp thuốc tây y với phương pháp không sử dụng thuốc của Y học cổ truyền và giáo dục thay đổi lối sống. Lý do người bệnh không chọn YHCT để điều trị THA là vì điều trị bằng Y học cổ truyền lâu khỏi, không tác dụng (chiếm 53,54%), 51,18% cho rằng thuốc Y học cổ truyền bất tiện khi sử dụng, 40,94% không có thông tin về YHCT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- AHA/ACC/ASH Scientific Statement (2017), Guideline for the Prevention, Detection, Evaluation, and Management of High Blood Pressure in Adults, Hypertension, pp. 73.
- Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế (2016), Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ
bệnh không lây nhiễm Việt Nam 2015, tr.1, tr. 43. - Quyết định số 1893/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2019 về việc Ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030.
- Nguyễn Cao Nhật Linh, Trần Ngọc Dung, Nguyễn Thị Diễm (2021), Tình hình tăng huyết áp và kết quả kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân bệnh mạch vành mạn tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ năm 2018-2020, Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 93, tr. 122- 131.
- Nguyễn Văn Thỉnh (2013), Nguyên cứu kiến thức, thực hành của người cao tuổi về các yếu tố liên quan tăng huyết áp trước và sau can thiệp tại quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ năm 2012, Luận văn chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
- Eric D Peterson, MD, MPH (2014), JNC VIII New Guideline, of Duke Clinical Research Institute.
- Nguyễn Như Phượng, Lê Thị Bình (2021), Tuân thủ điều trị và chăm sóc tư vấn cho người bệnh tăng huyết áp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang. Tạp Chí Y học Việt Nam, 505(1).
- Jankowska-Polanska B, Uchmanowicz I, et al (2016), Relationship between patients’ knowledge and medication adherence among patients with hypertension. Patient Prefer Adherence, 10, pp. 2437-2447.
- Phạm Phương Mai, Nguyễn Thị Hoàng Hà, Phạm Thu Vân, Hoàng Thị Hải Vân (2021), Kiến thức về bệnh tăng huyết áp và thực hành quản lý bệnh tăng huyết áp của người trưởng thành tại huyện Quảng Xương, Thanh Hoá năm 2019. Tạp Chí Nghiên cứu Y học, 144(8), 196-206.