0
NGHIÊN CỨU TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA THỦY CHÂM CHẾ PHẨM CHỨA NỌC ONG TRÊN BỆNH NHÂN THOÁI HÓA KHỚP GỐI

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong Đông y, nọc ong từ lâu được sử dụng trong chữa bệnh và đã có nhiều nghiên cứu chứng minh chất melitin trong nọc ong có hiệu quả để điều trị một số bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp… [1], [2], [3]. Có rất nhiều cách thức sử dụng nọc ong trong điều trị như cho ong đốt trực tiếp, tiêm dưới da, tiêm bắp... Một trong những hướng đi mà Y học cổ truyền đưa ra là sử dụng phương pháp thủy châm chế phẩm chứa nọc ong tức là tiêm một liều nhỏ chế phẩm chứa nọc ong vào huyệt để điều trị thoái hóa khớp gối, một bệnh lý mạn tính bao gồm tổn thương sụn khớp gối là chủ yếu, kèm theo tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và màng hoạt dịch, là nguyên nhân gây tàn tật cho người có tuổi đứng thứ 2 sau bệnh tim mạch [4], [5].

Việc phát triển nghiên cứu sử dụng thuốc và phương pháp điều trị vừa có tác dụng chống viêm, giảm đau vừa ít tác dụng phụ cho người bệnh là hướng nghiên cứu có tính cập nhật và cần thiết. Tuy nhiên, thuốc dùng để phòng bệnh, chữa bệnh là một loại sản phẩm đặc biệt, phải đạt yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, có hiệu quả và an toàn. Khi sử dụng thuốc, song song với việc theo dõi tác dụng điều trị, còn cần quan tâm đến tác dụng không mong muốn của thuốc.

Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu với mục tiêu đánh giá tác dụng không mong muốn của thủy châm chế phẩm chứa nọc ong trên bệnh nhân thoái hóa khớp gối trên lâm sàng và một số chỉ số cận lâm sàng.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu: 45 bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp gối, điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, thời gian từ tháng 04/2019 đến tháng 12/2019, được lựa chọn theo tiêu chuẩn của Hội Khớp học Mỹ thuộc giai đoạn 1, giai đoạn 2 theo phân loại Kellgren và Lawrence và được chẩn đoán hạc tất phong thể phong hàn thấp tý theo YHCT [4], [5], [6]. Bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu và không dị ứng với các thành phần đã biết của nọc ong.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

* Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang, theo dõi trong 1 liệu trình 15 ngày điều trị.

* Phương pháp tiến hành:45 bệnh nhân thoái hóa khớp gối được lựa chọn phù hợp với tiêu chuẩn nghiên cứu sẽ được điều trị bằng phương pháp thủy châm chế phẩm nọc ong liều 0,0025 mg/kg cân nặng vào các huyệt Huyết hải, Lương khâu, Dương lăng tuyền, Túc tam lý, với liệu trình thủy châm 1 lần/ngày vào buổi sáng x 15 ngày [7].

* Chỉ tiêu nghiên cứu và cách xác định các chỉ tiêu nghiên cứu

- Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu gồm: nhóm tuổi, giới tính được đánh giá tại thời điểm vào viện bằng phương pháp phỏng vấn .

- Triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, chảy máu, đau, dị ứng, nhiễm trùng, áp xe tại chỗ thủy châm được đánh giá tại thời điểm D0, D5, D10, D15 của liệu trình điều trị bằng phương pháp phỏng vấn kết hợp khám lâm sàng.

- Chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp được tiến hành đánh giá tại 3 thời điểm D0, D10, D15 của liệu trình điều trị bằng monitor Nihon Kohden- Nhận Bản

- Các chỉ tiêu cận lâm sàng được đánh giá tại 2 thời điểm trước điều trị và sau liệu trình 15 ngày điều trị, gồm: chỉ số huyết học (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và Hóa sinh (AST, ALT, Creatinin, Ure) bằng máy xét nghiệm Celltac Es (Mek -7300l) của hãng Nihon Kohden (Nhật Bản).

2.3. Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu nghiên cứu được xử lý bằng chương trình SPSS 20.0. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05.

Trích "Tạp chí Châm cứu Việt Nam - số 2/2021"

Mời quý vị đón đọc!

Toà soạn Tạp chí Châm cứu Việt Nam - 49 Thái Thịnh - Đống Đa - Hà Nội

ĐT: (024) 3562 6950

.