TS.Nghiêm Hữu Thành và cộng sự
Bệnh viện Châm cứu TW
Điện châm điều trị 89 bệnh nhân liệt TK VII ngoại biên do lạnh cho kết quả khỏi 67,42%, đỡ 31,48%, không đỡ 1,10%.
Kết quả nghiên cứu trên điện cơ của 89 bệnh nhân cho thấy điện châm có tác dụng phục hồi tốt các chỉ số của điện cơ:+ Thời gian tiềm của phản xạ nháy mắt trước điện châm là 22,5 mS, sau 40 lần điện châm đã trở về giới hạn bình thường là 13,4 mS. + Biên độ điện thế co cơ trước điện châm không có đáp ứng hoặc đáp ứng thấp, sau 40 lần điện châm xuất hiện đáp ứng và trở về giá trị bình thường.
Việc xác định các giá trị trên điện cơ làm sáng tỏ cơ chế tác dụng của điện châm điều trị bệnh liệt TK VII ngoại biên do lạnh, góp phần hiện đại hoá ngành châm cứu.
- ĐẶT VẤN ĐỀ.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh Đông y gọi là ” Khẩu nhãn oa tà” là một loại bệnh khá phổ biến ở nước ta. Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh chiếm gần 75 % các trường hợp. Do vậy, việc nghiên cứu áp dụng điện châm và điện cơ đồ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh liệt dây thần kinh VII một cách có hệ thống là một yêu cầu cấp thiết nhằm cung cấp cho các bác sỹ lâm sàng và bệnh nhân một phương pháp hiệu quả trong điều trị, hiện đại hoá châm cứu. Với mục đích này, đề tài ” nghiên cứu sự thay đổi trên điện cơ đồ – phản xạ Blink – lâm sàng ở bệnh nhân liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh được điều trị bằng điện châm” được tiến hành với hai mục tiêu sau:
- Đánh giá tác dụng điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh bằng điện châm.
- Nghiên cứu sự thay đổi trên điện cơ đồ (phản xạ nháy mắt, thời gian tiềm, biên độ điện thế kích thích dây thần kinh số VII) ở bệnh nhân liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh trước và sau điện châm.
- TỔNG QUAN TÀI LIỆU.
2.1. Bệnh liệt thần kinh VII ngoại biên do lạnh theo Đông y.
Bệnh liệt TK VII ngoại biên do lạnh nằm trong chứng “Khẩu nhãn oa tà” nguyên nhân chủ yếu do phong hàn trúng kinh lạc. Hình ảnh tổn thương lâm sàng của liệt dây TK VII ngoại biên do lạnh được mô tả theo Tứ chẩn Bát cương của Đông y như sau”: – Vọng: Chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng nhuận, miệng lệch sang bên lành, mắt không nhắm kín.
– Văn: Nói có thể khó khăn.
– Vấn: Ăn ngủ giảm, tiểu tiện trong dài, nhiều bệnh nhân đau vùng tai- thái dương bên bệnh, sợ gió, sợ lạnh, thích ấm.
– Thiết: mạch phù khẩn hoặc huyền hoạt.
2.2. Bệnh liệt dây TK VII ngoại biên theo Tây y.
– Liệt TK VII ngoại biên có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó tỷ lệ bị liệt Bell là 39,3%, do tai là 24,2 %, do chấn thương 22,7%, do virut là 9,1%, còn lại liên quan đến các nguyên nhân khác hiếm gặp như bệnh cầu Lympho, nhiễm axit chuyển hoá.
– Liệt dây TK VII gây liệt các cơ bám da mặt, thường bị một bên, biểu hiện: Rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn thần kinh thực vật
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU .
3.1.Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp thuần tập
3.2. Đối tượng nghiên cứu.
– Nhóm nghiên cứu: gồm 89 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh VII do lạnh được điều trị bằng điện châm tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương.
– Nhóm chứng chính là dây thần kinh VII bên lành.
– Phương tiện nghiên cứu: máy ghi điện cơ NEUROPACK MEB – 7102 do hãng Nihon Koden- Nhật Bản sản xuất năm 2000, điện cực kim, điện cực bề mặt, kim châm cứu, máy điện châm M7.
3.3. Phương pháp điều trị điện châm.
– Kỹ thuật châm: Theo phương pháp tân châm của GS.Nguyễn Tài Thu (châm sâu, xuyên huyệt).
– Kỹ thuật kích thích điện: Kích thích điện tại huyệt bằng máy điện châm M7 do Bệnh viện châm cứu TW sản xuất với cường độ 30 -40 mA, tần số 30 Hz.
+ Thời gian kích thích liên tục 25 phút/ lần
* Phác đồ huyệt của GS. Nguyễn Tài Thu:
– Toản túc xuyên Tình minh, Quyền liêu xuyên Nghinh hương, Dương bạch xuyên Ngư yêu, Nhân trung, Thái dương xuyên Đồng tử liêu, Thừa tương, Địa thương xuyên Giáp xa, Giáp xa xuyên Hạ quan, Hợp cốc 2 bên, Ế phong xuyên Quyền liêu
– Mỗi lần châm chọn từ 4 đến 6 huyệt nêu trên
3.4. Phương pháp đánh giá kết quả điều trị.
+ Đánh giá lâm sàng: Nếp nhăn trán, dấu hiệu Souques, méo miệng, lệch nhân trung và chia thành 03 mức độ khỏi, đỡ và không đỡ.
+ Đánh giá trên điện cơ: Đánh giá phản xạ nháy mắt, thời gian tiềm, điện thế kích thích dây thần kinh VII trước điều trị , sau 1 và 2 liệu trình điện châm.
– Phản xạ nháy mắt dựa vào các chỉ số:
+ Thời gian tiềm L của mỗi bên
+ Biên độ co cơ của bên lành và bên bệnh
– Điện thế kích thích dây thần kinh VII.
+ Thời gian tiềm (L): thời gian dẫn truyền từ điểm kích thích đến điện cực ghi (cơ vòng môi, vòng mi) thể hiện chức năng dẫn truyền myelin.
+ Biên độ đáp ứng (A): sóng thể hiện tình trạng sợi trục trong dây thần kinh VII (nếu giảm là sợi trục bị tổn thương).
Các giá trị bình thường của phản xạ nháy mắt của người Việt Nam (khi kích thích trên ổ mắt) (theo kết quả nghiên cứu của PGS.TS.Lê Quang Cường).
Thời gian tiềm của sóng R1(mS) | Thời gian tiềm củasóng R cùng bên (mS) | Thời gian tiềm củasóng R2 khác bên (mS) | |
X±SD | 10.7 ± 0.9 | 34.2 ± 3.3 | 34.7 ± 3.8 |
Giới hạn | 13.4 | 44.1 | 46.1 |
3.7. Xử lý số liệu nghiên cứu.
Các số liệu thu được trong nghiên cứu được xử lý bằng thuật toán thống kê dùng trong y sinh học. Sử dụng chương trình EPI- info 6.0.
- KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU.
Bảng 1: Phân bố đối tượng nghiên cứu theo giới
Giới tính | Số mắc bệnh | Tỷ lệ % |
Nam | 45 | 50,6 |
Nữ | 44 | 49,4 |
Tổng | 89 | 100 |
p> 0,05 |
* Nhận xét: Tỷ lệ nam, nữ mắc bệnh tương đương nhau
Bảng 2: Kết quả điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh bằng điện châm (sau 1 liệu trình và 2 liệu trình)
Kết quả điều trị | Sau 1 liệu trình | Sau 2 liệu trình | ||
Số bệnh nhân | Tỷ lệ % | Số bệnh nhân | Tỷ lệ % | |
Khỏi | 13 | 14,6 | 60 | 67,42 |
Đỡ | 46 | 51,7 | 26 | 29,21 |
Không đỡ | 30 | 33,7 | 3 | 3,37 |
Tổng | 89 | 100,00 | 89 | 100,00 |
* Nhận xét: Sau 2 liệu trình điều trị tỷ lệ khỏi tăng lên rõ rệt ( p<0,05 )
Bảng 3: Mối liên quan của phản xạ nhắm mắt và kết quả điều trị liệt TK VII ngoại biên do lạnh .
Phản xạ nhắm mắt | Trước
điều trị | Tỷ lệ % | Sau
điều trị | Tỷ lệ % | |
Bình thường | 2 | 2,3 | 68 | 76,4 |
p<0,05 |
Mất phản xạ | 87 | 97,7 | 21 | 23,6 | |
Tổng | 89 | 100,0 | 89 | 100,0 |
* Nhận xét: Sau điều trị các phản xạ nhắm mắt tiến bộ rõ (p< 0,05).
Bảng 4: Giá trị trung bình thời gian tiềm và biên độ điện thế bên lành và bên bệnh trước điều trị.
Thời gian tiềm XL (mS) | Biên độ điện thế XA (mV) | ||
Bên bệnh | Bên lành | Bên bệnh | Bên lành |
22,5 ± 0,462 | 13,2 ± 0,568 | 337,4 ± 2,984 | 1359,6 ± 10,37 |
p< 0,05 | p< 0,05 |
* Nhận xét: Thời gian tiềm và biên độ điện thế trước và sau điều trị có sự chênh lệch rõ giữa bên lành và bên bệnh (p< 0,05)
Bảng 5: Mối liên quan về kết quả điều trị được đánh giá trên lâm sàng và điện cơ sau 1 liệu trình điều trị và sau 2 liệu trình điều trị.
Kết quả điều trị | Điện cơ | Lâm sàng | ||||||
1 liệu trình | 2 liệu trình | 1 liệu trình | 2 liệu trình | |||||
n | % | n | % | n | % | n | % | |
Khỏi | 25 | 28,09 | 60 | 67,42 | 13 | 14,60 | 60 | 67,42 |
Đỡ | 43 | 48,31 | 28 | 31,48 | 46 | 51,70 | 26 | 29,21 |
Không kết quả | 21 | 23,60 | 1 | 1,10 | 30 | 33,70 | 3 | 3,37 |
Tổng | 89 | 100 | 89 | 100 | 89 | 100 | 89 | 100 |
* Nhận xét: Tỷ lệ bệnh nhân khỏi, đỡ được đánh giá trên điện cơ cao hơn đánh giá trên lâm sàng.
Sau 1 liệu trình điều trị: khỏi = 28,09%, đỡ = 48,31%
Sau 2 liệu trình điều trị : khỏi = 67,42%, đỡ = 31,48%
- BÀN LUẬN
5.1. Về kết quả điều trị liệt thần kinh VII ngoại biên do lạnh bằng điện châm.
Qua nghiên cứu 89 bệnh nhân cho kết quả điều trị là 67,42% khỏi, 31,48% đỡ và 1,1% không đỡ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với kết quả của Ja Pshuk (khỏi và đỡ chiếm 81,42%, không đỡ chiếm 18,6%). Điện châm là một phương pháp điều trị cho kết quả cao hơn trong điều trị bệnh liệt thần kinh VII ngoại biên do lạnh.
5.2. Về biến đổi các chỉ số điện cơ trước và sau điện châm.
5.2.1. Về sự thay đổi giá trị trung bình thời gian tiềm và biên độ điện thế phản xạ nháy mắt (Blink Reflex)
Sự biến đổi thời gian tiềm trong quá trình điều trị có sự thay đổi rõ rệt. Theo bảng 4.4 phần kết quả nghiên cứu, trước điều trị thời gian tiềm đều ở mức dài hơn giá trị thời gian tiềm của người bình thường cũng như của bên lành (>13,5 ms) hoặc bị tắc nghẽn hoàn toàn, sau điều trị thời gian tiềm đạt gần về giá trị của người bình thường.
Biên độ điện thế đáp ứng trước điều trị bằng 0 hoặc ở giá trị thấp, sau điều trị biên độ điện thé đáp ứng tăng lên nhiều và ở mức giá trị như người bình thường.
Điện châm đã làm hồi phục thời gian tiềm cũng như đáp ứng điện thế kích thích, cũng có thể hiểu rằng việc khai thông khí huyết đã được trở lại.
5.2.2. Về sự thay đổi độ chênh lệch thời gian tiềm và biên độ điện thế kích thích dây VII.
Thời gian mắc bệnh càng dài thì sự chênh lệch về thời gian tiềm và đáp ứng điện thế kích thích càng cao. Sau 2 liệu trình điều trị, sự chênh lệch này giảm đi rõ rệt. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê vơí p<0,05. Trên cơ sở này cho chúng ta nhận định rằng nếu trên lâm sàng sau 20 ngày điều trị vẫn chưa thấy sự chuyển biến hồi phục trở lại thì không có nghĩa là tiên lượng xấu mà phải tiếp tục điều trị liệu trình thứ 2 để đạt được kết quả điều trị tốt.
5.2.3. So sánh kết quả điều trị giữa lâm sàng và điện cơ sau 1 liệu trình và sau 2 liệu trình điều trị .
Kết quả nghiên cứu cho thấy sau 1 liệu trình điều trị tỷ lệ khỏi đỡ được đánh giá trên điện cơ cao hơn hẳn so với khi đánh giá trên lâm sàng (trên điện cơ tỷ lệ khỏi là 28,09%, đỡ là 48,31% còn trên lâm sàng tỷ lệ khỏi là 14,06%, đỡ là 51,07%). Tỷ lệ không kết quả trên lâm sàng (33,70%) cao hơn trên điện cơ (23,06). Tuy vậy, sau hai liệu trình điều trị thì tỷ lệ khỏi trên lâm sàng và điện cơ là tương đương (67,42%) nhưng tỷ lệ đỡ trên điện cơ (34,48%) cao hơn trên lâm sàng (29,21%) và tỷ lệ không kết quả trên điện cơ (1,10%) thấp hơn hẳn trên lâm sàng (3,37%). Qua kết quả nghiên cứu này chúng tôi nhận xét rằng sau 2 liệu trình điều trị số bệnh nhân khỏi là tương đương, điều này cho thấy sự đánh giá trên lâm sàng và điện cơ là phù hợp nhau. Sau một liệu trình điều trị, nếu trên lâm sàng bệnh nhân chưa có tiến triển thì điều này không có nghĩa là bệnh không tiến triển mà còn phải dựa trên điện cơ để đánh giá tiên lượng tiến triển của bệnh. Những bệnh nhân chưa có tiến triển rõ rệt trên lâm sàng sau 1 liệu trình điều trị không nên nản mà phải tiếp tục điều trị liệu trình thứ hai, một số bệnh nhân sau 2 liệu trình điều trị mà tiến triển còn chậm có thể tiếp tục liệu trình thứ
ba để đạt được kết quả tốt nhất.
- KẾT LUẬN
- Qua nghiên cứu 89 bệnh nhân liệt thần kinh vi ngoại biên do lạnh, được điều trị bằng điện châm cho kết quả: khỏi 67,42%, đỡ 31,48%, không đỡ 1,10%. Điện châm có tác dụng phục hồi tốt đối với các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, cảm giác, vận động.
- 2. Kết quả nghiên cứu trên điện cơ đồ cho thấy:
2.1. Phản xạ nháy mắt (Blink Reflex)
Thời gian tiềm trước điện châm là 22,5 mS, sau điện châm trở về giới hạn bình thường <13,4 mS, biên độ co cơ trước điện châm là 337, 4 mV, sau điện châm tăng lên và trở về bình thường (1359,6mV).
2.2. Điện thế kích thích dây thần kinh VII ngoại biên
Thời gian tiềm và biên độ trước điện châm có độ chênh lệch lớn (180 – 425 mV) sau điện châm trở về bình thường.
Các chỉ tiêu nghiên cứu trên điện cơ đồ đã xác định mức độ tổn thương dây thần kinh VII ngoại biên do lạnh trước điện châm và xác định được mức độ phục hồi vận động của dây thần kinh VII ngoại biên sau điều trị bằng điện châm, góp phần hiện đại hoá châm cứu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ môn thần kinh- Trường Đại học Y Hà Nội(1999), Sinh lý thần kinh, Giáo trình giảng dạy sau Đại học.
- Bộ môn thần kinh- Trường Đại học Y Hà Nội(1996). Điện não- Điện cơ
- Nguyễn Tài Thu (1982), Lý luận Y học phương Đông trong châm cứu– NXB Y học.
- Nguyễn Tài Thu, Trần Thuý (1997), Châm cứu sau Đại học– Nhà xuất bản Y học.
- Anton J. (1970), Endorphin the opium of acupuncture. The scientific Basic of acupuncture second enlarged edition, p. 1- 26.
- Nguyễn Tài Thu (1986), The system of meridians and the principle point. Semiology, therapy and analgesia in acupuncture,p. 22- 25.
SUMMARY
Research of 89 patients who suffer peripheral paralytic nerve No.7 caused by cold, and have been treated by electro-acupuncture shows: getting over 67.42%, getting better 31.48%, not getting over 1,10%.
Electro-acupuncture gives good recoveries to index of myography, showing on myography:
– The latent time of Blink reflex before electro-acupuncture is 22.5 mS, after electro-acupuncture, it returns to normal (13.4 mS).
– The cramping amplitude of peripheral nerve No.7 before electro-acupuncture is 180-420 mV, after electro-acupuncture returns to normal (135.9 mV).
The measure of index of myography shows the level of traumas and the level of recoveries of the peripheral paralytic nerve No.7 after electro-acupuncture. The result has contributed to the modernization of acupuncture.