Bài viết này mong muốn cung cấp cho các bậc cha mẹ một số kiến thức để đánh giá thế nào là trẻ phát triển bình thường, các dấu hiệu và triệu chứng nào để nhận biết sớm trẻ bị bại não.
Trẻ bại não bị các tổn thương thần kinh không tiến triển trong giai đoạn trước 5 tuổi về các lĩnh vực vận động, trí tuệ, ngôn ngữ, hành vi và các giác quan. Do vậy để đánh giá trẻ có bình thường không, các dấu hiệu nhận biết sớm trẻ bại não cần phải dựa vào các lĩnh vực đó.
Những mốc cơ bản đánh giá sự phát triển bình thường của trẻ:
- Trẻ mới sinh đến 1 tháng: Có phản xạ mút, bú, nuốt, co rúm khi bị kích thích, nắm bàn tay, lúc 3 tuần tuổi biết nhìn theo vật di động
- Trẻ 2 tháng: Biết hóng chuyện, mỉm cười, biết nhìn vật sáng di động.
- Trẻ 3 tháng: Nằm sấp ngẩng đầu, giữ vật trong tay 1 – 2 phút, đưa mắt tìm nguồn tiếng động, vật di động.
- Trẻ 6 tháng: Cổ vững, ngồi vững, đứng xốc nách, nhặt đồ vật bằng 5 ngón, phân biệt lạ quen, phát âm bi bô.
- Trẻ 9 tháng: Nằm sấp có thể bò, lật, tự đưa thức ăn lên miệng, biết đáp ứng khi gọi tên, có cảm giác vui mừng sợ hãi.
- Trẻ 12 tháng: Tập đi men theo thành giường, đập phá đồ chơi, nói một số từ đơn, bắt chước lời nói, biết thể hiện tình cảm vui cười, giận khóc, vẫy chào tạm biệt.
- Trẻ từ 1 – 2 tuổi: Chạy dễ ngã, trèo cầu thang, chơi tập thể, tranh giành đồ vật, biết làm theo mệnh lệnh, đòi đồ vật bằng cách gọi tên đồ vật, biết chỉ các phần cơ thể.
- Trẻ 3 tuổi: Tiếp thu học thuộc bài hát ngắn, đứng bằng một chân, chủ động chăm sóc bản thân, biết tên tuổi mình, tháo lắp đồ chơi đơn giản, biết giao tiếp, thắc mắc bằng ngôn ngữ.
- Trẻ 6 tuổi: Ngôn ngữ hoàn chỉnh, học thuộc bài hát dài, có khả năng phân tích, tổng hợp, thích trò chơi tập thể.
Một số dấu hiệu và triệu chứng nhận biết sớm trẻ bại não:
Ở trẻ sơ sinh:
- Trẻ rất yếu hoặc mềm nhẽo sau khi đẻ, nhất là sau các liên quan đến sản khoa như đẻ khó, đẻ ngạt tím, ngạt trắng, đẻ non tháng, đẻ già tháng, đẻ thiếu cân, mổ đẻ…
- Trẻ không mút, không bú, hay sặc sữa, đùn sữa và thức ăn, lè lưỡi ra ngoài hoặc rụt lưỡi vào trong.
- Các dị tật hoặc mất chức năng ở tứ chi: tay chân hoặc mềm yếu không cử động được hoặc co cứng ở tư thế gấp hoặc xoay trong hoặc đổ ra ngoài. Bàn tay nắm chặt, ngón tay cái gập khép chặt
- Trẻ có các tư thế bất thường hoặc cổ mềm rũ, lưng yếu, các khớp yếu, cơ yếu, chậm ngẩng đầu, nâng tay, không giữ được thăng bằng, không giữ được ở tư thế sinh lý; hoặc bị co cứng, ngửa cổ, ưỡn lưng, gập lưng, xoắn vặn chi, cứng khớp, co cứng cơ, khi bị kích thích hoặc đặt bế nằm ở một tư thế nhất định càng co cứng hơn.
- Trẻ có đầu bé nhọn hoặc đầu to quá cỡ và ngày càng to ra theo năm tháng với các thóp và khớp sọ giãn rộng.
- Trẻ có khuôn mặt tròn, mắt xếch, lưỡi to, dày
- Trẻ có biến dạng ở hộp sọ, thay đổi cấu trúc giải phẫu ở tai, mắt, như dị dạng vành tai, lác mắt, sụp mi, rung giật nhãn cầu…, dị dạng cột sống, thoát vị tủy sống…
- Các rối loạn về tâm thần: hoặc la hét kích thích, quấy khóc suốt ngày đêm, hoặc li bì, kém linh hoạt, đáp ứng yếu ớt, khóc rên khi bị kích thích đau…
Các dấu hiệu ở trẻ lớn:
- Dễ nhận biết nhất là các rối loạn dáng đi như đi lệch, đi với hai đầu gối chụm khép chặt vào nhau kèm theo co cứng cơ.
- Chỉ đứng trên các đầu ngón chân, duỗi cứng hai bàn chân, đi bằng cả hai mũi chân. Đi xiêu vẹo, run rẩy không vững, dễ bị ngã.
- Tập đi muộn, đi lạch bạch, hay ngã, bàn chân phẳng.
- Chậm hơn các trẻ khác cùng lứa tuổi trong các bước phát triển: lẫy, bò, ngồi, đứng, đi. Thờ ơ kém nhận thức, như không biết lạ quen, không biết biểu lộ tình cảm, chậm nói, không đáp ứng với tiếng gọi, tiếng động, đến 3 tuổi mà vẫn chưa nói được tất cả.
Theo Thạc sĩ. Bác sĩ Dương Văn Tâm
Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em
Bệnh viện Châm cứu Trung ương