HIỂU ĐÚNG VỀ KHÍ CÔNG VÀ CÁC LOẠI KHÍ

Khí công là một phương pháp rèn luyện tốt và có từ lâu đời. Nhiều người hiện nay vẫn có những nhận thức sai lầm về khí công và sử dụng khí công với những mục đích khác nhau.

Một vài nhận thức sai lầm về khí công

Trước đây, những người có điều kiện tập khí công là những phật tử, những đạo sĩ và số ít bệnh nhân, thầy thuốc.

Để phục vụ cho mục đích thành phật, thành tiên, những người luyện tập khí công đã giải thích những thay đổi và cảm giác của cơ thể biểu hiện ra khi luyện tập bằng cách của họ với những nội dung thần bí hoặc có màu sắc tôn giáo.

Khí công giúp tự rèn luyện sức khỏe

Theo các chuyên gia tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, khí công là một phương pháp tự rèn luyện tốt.

Trong khí công, khí được hiểu là vật chất, tức không khí ta hít thở hàng ngày. Công có nghĩa là luyện tập. Như vậy, khí công là tập luyện nâng cao chức năng sinh lý của cơ thể nói chung, của cơ quan nội tạng nói riêng và tập thở. Luyện thở cũng là một trong những nội dung quan trọng của phương pháp khí công, nội dung chủ yếu của khí công là luyện hoạt động của hệ thần kinh.

Muốn tập khí công đạt kết quả tốt, cần tin tưởng, quyết tâm và kiên trì, mặt khác cần có sự hướng dẫn của chuyên môn, không tập trong sự nóng vội.

Các loại khí theo y học cổ truyền

Khí là một thành phần cấu tạo của cơ thể, là chất cơ bản duy trì sự sống của con người, có tác dụng thúc đẩy huyết và các công năng tạng phủ kinh lạc hoạt động. Khí có ở khắp nơi, ngoài tác dụng chung như trên, còn mang tính chất của các bộ phận mà nó trú ngụ: như thận khí, can khí, vị khí, kinh khí v.v…

Người ta hay nhắc đến 4 loại như: Nguyên khí, tông khí, dinh khí và vệ khí. Trong đó:

Nguyên khí: Hay còn gọi là sinh khí, chân khí, khí của chân nguyên, do tinh của tiên thiên sinh ra, được tàng trữ ở thận, được khí của hậu thiên bổ sung không ngừng  Thông qua tam tiêu, nguyên khí đến và kích thích thúc đẩy các tạng phủ hoạt động và quá trình sinh dục- phát dục của cơ thể.  Nguyên khí đầy đủ thì thân thể khỏe mạnh, trái lại thì tạng phủ sẽ suy kém, sức chống đỡ với bệnh tật yếu.

Tông khí: Tông khí do khí trời và chất tinh vi của đồ ăn do tỳ vị vận hóa kết hợp tạo thành. Sự vận hành của khí, huyết, hô hấp, tiếng nói, hoạt động của tay chân đều có quan hệ mật thiết với tông khí. Tông khí suy giảm còn gây ra ứ huyết.

Dinh khí (Doanh khí): Dinh khí là do chất tinh vi của đồ ăn thức uống được tỳ vận hóa tạo thành, đi vào mạch thành một bộ phận của huyết dịch, theo huyết dịch đi toàn thân. Dinh khí có tác dụng sinh ra huyết và dinh dưỡng toàn thân.

Vệ khí: Vệ khí bắt nguồn từ tiên thiên, do dương khí của thận sinh ra, được bổ sung không ngừng bằng các chất tinh vi của đồ ăn do tỳ vị vận hóa ra, hoạt động được do sự tuyên phát của phế. Vì vậy vệ khí gốc ở hạ tiêu (Thận) được nuôi dưỡng do trung tiêu (Tỳ), khai phát ở thượng tiêu (Phế). Vệ khí đi ngoài mạch, phân bố toàn thân, trong thì làm ấm nội tạng, ngoài thì làm ấm cơ nhục, da lông, làm đóng mở tuyến mồ hôi. Vệ khí có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống ngoại tà xâm nhập.

.