0
Hành trình 40 năm đưa cây kim châm cứu Việt Nam ra thế giới

Việt Nam cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là những nước có nền châm cứu phát triển nhất thế giới.

Kế thừa và phát triển tinh hoa y học cổ truyền Việt Nam

Ngày 7/10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỉ niệm 40 năm thành lập Bệnh viện Châm cứu Trung ương và Hội nghị Khoa học Châm cứu Việt Nam.

Hành trình 40 năm đưa cây kim châm cứu Việt Nam ra thế giới - 1

Lễ kỉ niệm 40 năm thành lập Bệnh viện Châm cứu Trung ương và Hội nghị Khoa học Châm cứu Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư chúc mừng nhân sự kiện này. Trong thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Trong 40 năm qua với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã được thành lập và phát triển thành bệnh viện đầu ngành châm cứu của cả nước theo định hướng phát triển Đông - Tây y.

Bệnh viện Châm cứu Trung ương là cơ sở có uy tín cao của việt Nam về châm cứu và phục hồi chức năng, đạt được nhiều thành tích góp phần xây dựng nền y học Việt nam: Khoa học - Dân tộc - Đại chúng.

Bệnh viện được Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm. Bệnh viện cũng đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, được nhân dân tin tưởng, yêu mến.

Châm cứu Việt Nam được bạn bè đồng nghiệp châm cứu trên thế giới đánh giá cao, tìm đến học tập y thuật châm cứu.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu vinh dự được bầu làm Phó chủ tịch Liên hiệp hội châm cứu thế giới. Đó là niềm tự hào của ngành y tế và của Việt Nam".

cham_cuu_2

Quang cảnh buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ rõ, Việt Nam tự hào là một nước có nền y dược học cổ truyền lâu đời. Trong đó châm cứu là một phương pháp chữa bệnh quan trọng trong các phương pháp chữa bệnh cổ truyền với mạng lưới rộng khắp, được phát triển từ thực tiễn đã đúc kết thành lý luận có tính chất khoa học và biện chứng.

Việt Nam cũng là nước biên soạn tài liệu về châm cứu sớm so với các nước trong khu vực, trên thế giới.

Việt Nam cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là những nước có nền châm cứu phát triển nhất thế giới.

cham_cuu_3

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi lễ.

"Phát huy tiềm năng và thế mạnh vốn có của y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, các thầy thuốc y học cổ truyền Việt nam đã chủ động, tích cực sử dụng y học cổ truyền trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt lĩnh vực châm cứu đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác này", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Bệnh viện Châm cứu Trung ương tiền thân là Viện Châm cứu Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 369/QĐ/BYT ngày 24/4/1982 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Ngày 18/6/2003 Viện Châm cứu Việt Nam được đổi tên thành Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Cố Giáo sư Nguyễn Tài Thu (1931-2021), trên cương vị là Viện trưởng Viện Châm cứu Việt Nam đầu tiên cùng đội ngũ lãnh đạo bệnh viện và tập thể các y bác sĩ các thế hệ nối tiếp đã dày công xây dựng cơ sở vật chất ngày càng khang trang, đào tạo đội ngũ cán bộ thầy thuốc châm cứu vừa hồng vừa chuyên, được nhân dân cả nước yêu quý, tin tưởng và thế giới đánh giá cao.

Cây kim châm cứu góp phần làm nên hình ảnh tài trí Việt

Theo PGS.TS Trần Văn Thanh - Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã trở thành bệnh viện chuyên khoa hạng I, với quy mô hơn 600 giường, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại. Đội ngũ hơn 600 cán bộ viên chức với nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa, thạc sĩ, dược sĩ, điều dưỡng tận tâm, đam mê yêu nghề.

cham_cuu_4

PGS.TS Trần Văn Thanh - Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương phát biểu tại buổi lễ.

Bệnh viện Châm cứu Trung ương với chức năng, nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về lĩnh vực châm cứu. Bệnh viện đã khám và chữa bệnh thành công cho hàng triệu bệnh nhân, với rất nhiều bệnh khó như: Liệt nửa người, bệnh lý cột sống, viêm khớp, cũng như các bệnh lý của thời hiện đại như tự kỷ trẻ em, hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy, châm tê trong phẫu thuật…

Phát huy tiềm năng và thế mạnh vốn có của y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, các thầy thuốc y học cổ truyền Việt Nam đã chủ động, tích cực sử dụng y học cổ truyền trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

"Bệnh viện đã tích cực, chủ động, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế với hơn 40 nước trên thế giới, đưa cây kim châm cứu Việt Nam đến các nước, được Chính phủ và nhân dân các nước ca ngợi. Hiện nay, bệnh viện vẫn đang duy trì hoạt động 2 Trung tâm Châm cứu Hồ Chí Minh ở Mexico và Trung tâm Châm cứu Việt Nam tại Liên Bang Nga.

cham_cuu_5

Máy điện châm là thành tựu của sự kết hợp y học cổ truyền và công nghệ hiện đại.

Châm cứu đã góp phần xây dựng hình ảnh, đất nước và trí tuệ con người Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Nhiều cán bộ lãnh đạo của bệnh viện được các tổ chức quốc tế tín nhiệm bầu vào cương vị lãnh đạo chủ chốt của các tổ chức châm cứu thế giới", PGS Thanh nhấn mạnh.

Những thành công rực rỡ của nền châm cứu Việt Nam ngày hôm nay có một phần đóng góp to lớn của cố Giáo sư Nguyễn Tài Thu.

Người thầy thuốc này đã khổ công nghiên cứu và đạt được đỉnh cao về kỹ thuật châm cứu, là người đầu tiên nghiên cứu chữa bệnh bằng thủy châm.

cham_cuu_6

Những thành công rực rỡ của nền châm cứu Việt Nam ngày hôm nay có một phần đóng góp to lớn của cố Giáo sư Nguyễn Tài Thu.

Ông cũng là chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về Nghiên cứu tác dụng của điện châm trong điều trị liệt, châm tê phẫu thuật và hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã biên soạn tổng cộng 27 cuốn sách về châm cứu chữa bệnh, châm cứu tuyến cơ sở chữa bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc.

Nhân dịp này, tập thể Bệnh viện Châm cứu Trung ương cũng đã được trao thưởng cờ thi đua của Bộ Y tế và bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.

cham_cuu_7

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trao thưởng cờ thi đua của Bộ Y tế và bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho tập thể Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

PGS.TS Trần Văn Thanh và PGS.TS Phạm Hồng Vân - Phó Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương lao động hạng 3, vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.

Ông Nguyễn Nam Trung - Phó trưởng phòng quản lý chất lượng được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống Covid-19 đợt dịch lần thứ tư

 

Theo Báo Dân trí 

.