0
Các đề tài nghiên cứu khoa học của PGS. TS. Nguyễn Bá Quang

1 – ẢNH HƯỞNG CỦA ĐIỆN CHÂM CÁC HUYỆT HỢP CỐC VÀ NỘI QUAN KẾT HỢP VỚI THUỐC HỖ TRỢ LÊN ĐIỆN NÃO ĐỒ.

Điện châm các huyệt Hợp cốc và Nội quan với tần số 40-50Hz và cường độ 15-20 micro Ampe có tác dụng hoạt hóa các tế bào thần kinh vùng vỏ não cảm giác – vận động và thể lưới thân não, cụ thể là làm giảm thành phần sóng chậm denta, tăng thành phần các sóng anpha và teta, tạo điều kiện cho não bộ tiếp nhận thông tin tốt hơn.

Điện châm các huyệt kết hợp với thuốc hỗ trợ (seduxen + morphin) làm giảm thành phần sóng chậm denta và tăng nhanh thành phần các sóng anphan và beta rõ hơn so với tác dụng riêng của điện châm.

(Xuất bản ở Tạp chí châm cứu số 16 (01-1995), trang 11).

2- CHÂM TÊ TRONG PHẪU THUẬT CÁC CHIẾN THƯƠNG, VẾT THƯƠNG CHỈNH HÌNH

Châm tê để mổ không gây độc hại cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân chóng hồi phục nên châm tê hiện là một trong những phương pháp vô cảm có thể ứng dụng và phát triển rộng rãi nhất là ở những tuyến quận huyện nới thiếu thốn về phương tiện máy móc phục vụ mổ xẻ, thiếu thuốc mê thuốc tê và nhất là những vùng xa thành thị không thuận lợi cho việc vận chuyển bệnh nhân tải thương đưa về tuyến sau khó khăn. Trong những năm 1985 – 1987 việc châm tê đã và đang được đẩy mạnh phát triển ở các địa phương. Tiếp tục năm 1988 cần phát triển mạnh mẽ châm tê để phục vụ kịp thời và có hiệu quả đối với các ca mổ thường gặp nhất là các ca mổ vết thương chiến thương, chỉnh hình.

(Xuất bản Tập I 1986 – 1987 trang 8).

3- KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU ĐIỀU TRỊ GIẢM THỊ LỰC BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỆN CHÂM VÀ THỦY CHÂM

Điện châm, Thủy châm có tác dụng tốt đối với việc phục hồi chức năng thị lực đối với các bệnh nhi có tổn thương đáy mắt.

Việc chọn kinh huyệt để điều trị phải hoàn toàn phân tích theo lý luận đông y.

Việc kết hợp thăm khắm và đánh giá kết quả của Viện mắt và khoa thần kinh bệnh viện Bạch Mai là rất cần thiết.

Cần được điều trị sớm cho các cháu nhi mắc di chứng giảm hoặc mất thị lực.

Trung bình thời gian để điều trị một bệnh nhân là 2 đến 3 tháng lâu nhất là 1 năm.

Công trình này thống báo kết quả bước đầu về các bệnh nhi bị mù do mắc các bệnh sau:

Viêm não do virus

Bệnh não do nhiễm khuẩn thần kinh

Bệnh não do rối loạn chuyển hóa

Liệt não trẻ em bẩm sinh

Công trình nêu lên việc kết hợp giữa Y học dân tộc cổ truyền và y học hiện đại

Công trình nghiên cứu làm tại Viện Châm cứu Trung ương.

Hà nội, ngày 18 tháng 2 năm 1986

(Xuất bản Tập I 1986 – 1987, trang 33)

4 – ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG GIẢM ĐAU CỦA CHÂM TÊ KẾT HỢP THUỐC HỖ TRỢ ĐỂ PHẪU THUẬT VÙNG BẸN – BÌU

Qua nghiên cứu 76 bệnh nhân được phẫu thuật để điều trị các bệnh thoát vị bẹn, u thừng tinh, ứ nước màng tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ thuộc vị trí vùng bẹn – bìu ở nam giới tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương từ 5/1999 đến 4/2009 cho thấy bệnh gặp nhiều nhất là TV bẹn (75 – 77,8%) thấp nhất là tinh hoàn lạc chỗ (5 – 5,6%). Kết quả vô cảm của nhóm bệnh nhân được mổ với vô cảm châm tê kết hợp thuốc hỗ trợ có tỷ lệ sau: Mức vô cảm loại A (tốt) là 70%, loại B (khá) là 25%, loại C là 5%, loại D (không đạt) là 0%. Các chỉ số sinh học như mạch, HA của bệnh nhân có xu hướng tăng lên trong quá trình châm tê để mổ, sau đó trở về gần bình thường sau khi mổ xong. Ngưỡng cảm giác đau của bệnh nhân tăng cao hơn so với trước khi châm tê với hệ số giảm đau K = 1,954. Không có tai biến nào xảy ra trong quá trình châm tê để mổ.

(Xuất bản: Tạp chí Y Học Việt Nam, tập 359, tháng 7, số 2, năm 2009, trang 32).

5 – NGHIÊN CỨU TÁC DỤNG CỦA ĐIỆN CHÂM CẮT CƠN ĐÓI MA TÚY THỂ CAN – ĐỞM

Qua nghiên cứu trên 35 bệnh nhân nghiện ma túy dạng thuốc phiện thể Can – Đởm được điều trị hỗ trợ cai nghiện bằng phương pháp điện châm, chúng tôi rút ra một số kết luận sau đây:

Đa số bệnh nhân mắc nghiện ở lứa tuổi thanh niên (19-30), là nam giới, nghiện ma túy mức độ vừa và nặng, dùng ma túy chủ yếu bằng đường hít và chích.

Điện châm trong điều trị cắt cơn đói ma túy đạt kết quả loại A (loại rất tốt) chiếm 68,57%, loại B (loại tốt) chiếm 34,43%. Triệu chứng của hội chứng cai sau điện châm ở ngày thứ 4 giảm rõ rệt (p<0,01). Sau khi điều trị điện châm cắt cơn, 94,29% bệnh nhân tăng cân, nồng độ opiat trong nước tiểu giảm với p < 0,001, 95% số bệnh nhân có điện não và phổ điện não trở về mức độ bình thường.

(Xuất bản ”Tạp chí Nghiên cứu Y học, tập 61. Số 2, trang 43)

6 – NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN GIỮA PHẢN XẠ NHÁY MẮT VÀ BỆNH LIỆT DÂY THẦN KINH VII NGOẠI BIÊN DO LẠNH ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ BẰNG ĐIỆN CHÂM

Kết quả nghiên cứu phản xạ nháy mắt (89 bệnh nhân) cho thấy điện châm có tác dụng phục hồi tốt phản xạ nháy mắt thể hiện qua các chỉ số:

Thời gian tiềm của phản xạ nháy mắt trước điện châm là 22,5mS, sau 40 lần điện châm đã trở về bình thường là 13,5mS.

Biên độ điện thế co cơ không đáp ứng hoặc thấp, sau 40 lần điện châm đã xuất hiện đáp ứng trở về giá trị bình thường.

Điện châm điều trị liệt thần kinh VII ngoại biên cho kết quả khỏi: 67,42%; đỡ: 29,21%; không đỡ: 3,37%. Việc xác định giá trị định lượng của phản xạ nháy mắt góp phần làm sáng tỏ cơ chế tác dụng của điện châm, góp phần hiện đại hóa ngành châm cứu.

(Xuất bản ” Tạp chí Y dược học Quân sự, tập 29, Số 1, trang94).

7 – ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỆN CHÂM ĐIỀU TRỊ LIỆT THẦN KINH VII NGOẠI BIÊN DO LẠNH QUA PHẢN XẠ NHÁY MẮT

Điện châm điều trị 89 bệnh nhân liệt thần kinh (TK) VII ngoại biên do lạnh cho kết quả khỏi 67,42%, đỡ 29,21%, không đỡ 3,37%.

Kết quả nghiên cứu trên điện cơ của 89 bệnh nhân cho thấy điện châm có tác dụng phục hồi tốt các chỉ số:

Thời gian tiềm tàng của phản xạ nháy mắt trước điện châm là 22,5mS, sau 40 lần điện châm đã trở về giới hạn bình thường là 13,4mS.

Biên độ điện thế sóng đáp ứng của phản xạ nháy mắt trước điện châm không có đáp ứng hoặc đáp ứng thấp, sau 40 lần điện châm xuất hiện đáp ứng và trở về giá trị bình thường.

Việc xác định các giá trị của phản xạ nháy mắt làm sáng tỏ cơ chế tác dụng của điện châm điều trị bệnh liệt thần kinh VII ngoại biên do lạnh, góp phần hiện đại hóa ngành châm cứu.

(Xuất bản ”Tạp chí Y – Dược học quân sự, Tập 29, Số 2, trang 136, năm 2004”)

8 –  NGHIÊN CỨU TÁC DỤNG CỦA ĐIỆN MÃNG CHÂM TRONG ĐIỀU TRỊ GIẢM CÂN Ở NGƯỜI BÉO PHÌ

Chúng tôi áp dụng điều trị giảm cân theo phương pháp Điện mãng châm (ĐMC) cho 70 bệnh nhân (BN) tăng cân và béo phì, từ 18 – 60 tuổi, một liệu trình điều trị 60 ngày, mỗi ngày 30 phút. Kết quả sau 1 liệu trình điều trị: BN giảm 2-5 kg (với p <0,01). Phương pháp ĐMC làm giảm triệu chứng chủ quan, cải thiện đáng kể các chỉ số lipid máu, cholesterol, đường máu và huyết áp của BN theo hướng có lợi. Chưa gặp trường hợp nào bị tai biến trong quá trình nghiên cứu. Đây là một phương pháp thuận tiện, kinh tế có thể phổ biến và áp dụng phổ biến đến các tuyến điều trị.

(Xuất bản ”Tạp chí Y – Dược quân sự, Tập 33, Số 3, năm 2008, trang 175”).

9 – ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG VÔ CẢM CỦA CHÂM TÊ KẾT HỢP THUỐC HỖ TRỢ TRONG PHẪU THUẬT BƯỚU GIÁP ĐƠN THUẦN ĐỘ III, IV

Nghiên cứu 98 bệnh nhân (BN) được mổ bệnh bướu giáp đơn thuần (BGĐT) độ III, IV với vô cảm bằng châm tê kết hợp thuốc hỗ trợ tại Bệnh viện Châm cứu TW cho thấy: bệnh BGĐT chủ yếu gặp ở nữ (94,9%), nhóm BN có độ tuổi từ 41 – 65 tuổi chiếm 57,1%, bướu to độ III gặp 91,8%, bướu có chèn ép tổ chức xung quanh gây khó chịu cho người bệnh 18,3%. Mức vô cảm bằng châm tê kết hợp thuốc hỗ trợ đạt kết quả loại A 92,9%, loại B 7,1%, không có loại C và D. Nhóm BN có bướu to độ III đạt mức vô cảm cao hơn độ IV. Diễn biến trong và sau mổ thuận lợi, kết quả sớm sau mổ: 97,9% có diễn biến bình thường, chỉ có 1 BN chảy máu dưới da sau mổ bướu cổ độ IV giờ thứ 2, được xử trí bằng băng ép vết mổ, sau đó ổn định.

(Xuất bản ”Tạp chí Y – Dược học Quân sự, Tập 34, Số 4, năm 2009, trang 106”).

10 – NGHIÊN CỨU TÁC DỤNG CỦA ĐIỆN MÃNG CHÂM ĐIỀU TRỊ CHỨNG ”BÀN CHÂN RỦ” Ở BỆNH NHÂN LIỆT NỬA NGƯỜI

Kết quả nghiên cứu tác dụng của điện mãng châm trong điều trị triệu chứng ”bàn chân rủ” ở 50 bệnh nhân liệt nửa người cho thấy:

Điện mãng châm điều trị triệu chứng ”Bàn chân rủ” cho kết quả 21 bệnh nhân dịch chuyển được 2 độ liệt, 25 bệnh nhân dịch chuyển được 1 độ liệt. So sánh với nhóm chứng điều trị bằng tây y cho thấy điện mãng châm có tác dụng phục hồi liệt tốt hơn, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,01.

Sự biến đổi điện cơ sau 30 lần điều trị cho thấy: Trước điện mãng châm biên độ điện thế các đơn vị vận động của các cơ cẳng chân trước và cơ mác dài ở mức thấp (815,28 ± 452,16 µV), sau điện mãng châm, biên độ điện thế tăng lên 990,55 ± 350,73 µV, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,001.

(Xuất bản ”Tạp chí châm cứu Việt Nam, Số 53, Năm 2004, trang 38”).

11 –

(Còn nữa đang được cập nhật)

.