Đánh giá tác dụng của phương pháp điện châm kết hợp nhĩ châm trong điều trị rối loạn giấc ngủ thể can đởm hỏa vượng

Ngủ là một hành vi có ở tất cả các loài động vật từ côn trùng đến động vật có vú. Giấc ngủ là một trong những hành vi phổ biến nhất của con người, một người trung bình bỏ ra một phần ba cuộc đời để ngủ, vì vậy giấc ngủ được xem như một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cuộc sống. Người bình thường cần được ngủ khoảng 7-8 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên cũng có người có nhu cầu nhiều hơn và cũng có người cần ít hơn [3].

Mất ngủ là trạng thái không thoải mái về số lượng và chất lượng của giấc ngủ, rối loạn này tồn tại trong một thời gian dài, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng làm việc của người bệnh [6],[13]. Mất ngủ tăng lên theo thời gian vì những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày càng gia tăng, có khuynh hướng tăng lên trong giới nữ, những người già. Theo các nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mất ngủ trong cộng đồng dao động từ 20-30% và tỷ lệ cao hơn ở người cao tuổi [13].

Y học cổ truyền (YHCT) mất ngủ được gọi là chứng “Thất miên”. Nguyên nhân gây ra mất ngủ tuy khá phức tạp nhưng theo Cảnh Nhạc thì: “Ngủ là gốc ở phần âm mà thần làm chủ, thần yên thì ngủ được”. Thần sở dĩ không yên thì một là do tà khí nhiễu động, hai là do tinh khí không đủ: “tà” ở đây chủ yếu chỉ vào đờm, hỏa, ăn uống; “vô tà” là chỉ vào tức giận, sợ hãi lo nghĩ nguyên nhân là do nội nhân, ngoại nhân, bất nội ngoại nhân gây thành chứng mất ngủ. Chứng mất ngủ được tóm tắt thành năm nguyên nhân là: Tâm và Tỳ hư, Can đởm hỏa vượng, Khí của Tâm và Đởm hạ, Vị không điều hòa và bị suy nhược sau khi ốm[17].

Y học cổ truyền có nhiều phương pháp để điều trị chứng mất ngủ như: dùng thuốc YHCT, khí công dưỡng sinh, liệu pháp tâm lý, dưỡng sinh thư giãn, thôi miên, thể dục liệu pháp, bấm huyệt, châm cứu, nhĩ châm,… Mỗi phương pháp điều trị có ưu điểm riêng, ưu điểm của các phương pháp này là đưa bệnh nhân đến giấc ngủ tự nhiên. Vì vậy việc kế thừa và phát huy vốn quý của YHCT, tìm ra phương pháp điều trị mất ngủ có hiệu quả cao cho bệnh nhân là một điều cần thiết.

Kết hợp điện châm với nhĩ châm được biết đến như một phương pháp điều trị mất ngủ có hiệu quả. Năm 1962 Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã nghiên cứu nhĩ châm - sử dụng những huyệt trên loa tai để phòng bệnh và chữa bệnh [17],[12]. Với ưu điểm là tiện lợi, không tốn kém, dễ ứng dụng ở các tuyến cơ sở, rút ngắn thời gian điều trị nên nhĩ châm đã được ứng dụng rộng rãi, điều trị được nhiều bệnh như liệt, các chứng đau,… đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu nào về tác dụng của điện nhĩ châm trên bệnh nhân mất ngủ thể Can đởm hỏa vượng.

Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: Đánh giá tác dụng của phương pháp điện châm kết hợp nhĩ châm trong điều trị rối loạn giấc ngủ thể can đởm hỏa vượng”

 Nhằm 2 mục tiêu:

  1. Mô tả một số đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân rối loạn giấc ngủ thể can đởm hỏa vượng.

Đánh giá tác dụng điều trị của phương pháp điện châm kết hợp nhĩ châm trên bệnh nhân rối loạn giấc ngủ thể can đởm hỏa vượng .\