BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1816/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên
từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới
nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện hạng I, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế của đơn vị, địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện Đề án này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Quốc Triệu |
ĐỀ ÁN
Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26 tháng 5
năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế )
1. SỰ CẦN THIẾT CỬ CÁN BỘ CHUYÊN MÔN LUÂN PHIÊN TỪ BỆNH VIỆN TUYẾN TRÊN VỀ HỖ TRỢ CÁC BỆNH VIỆN TUYẾN DƯỚI:
Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng công tác khám, chữa bệnh còn hạn chế nhất là ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa do thiếu cán bộ y tế đặc biệt cán bộ có trình độ chuyên môn sâu.
Đối với các xã chưa có bác sĩ, việc luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về khám, chữa bệnh tại xã theo chế độ lưu trú một số buổi trong tuần là giải pháp để người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế.
Việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng, tiến tới sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các vùng, miền trong cả nước, đồng thời có tác dụng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn để từng bước đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tại địa phương.
2. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:
a) Căn cứ pháp lý:
- Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/5/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
- Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/5/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
- Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
- Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
- Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
- Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
- Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập;
- Quyết định số 225/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005 – 2008;
- Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/04/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008 – 2010.
b) Căn cứ vào nhu cầu thực tế:
- Do sự vận động của nền kinh tế thị trường nên hiện nay lực lượng cán bộ y tế có tay nghề tập trung ở các trung tâm và các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh … một số bệnh viện tuyến dưới đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế nghiêm trọng. Việc cử cán bộ y tế luân phiên từ các bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới góp phần điều tiết và giảm bớt tình trạng chênh lệch trình độ tay nghề giữa các vùng, miền, để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng cao.
- Nhu cầu cán bộ, bác sĩ chuyên môn giỏi tại các bệnh viện tuyến dưới rất lớn nhằm đáp ứng sự phát triển khoa học công nghệ ngành y tế;
- Khả năng luân phiên cán bộ (kíp cán bộ) từ bệnh viện tuyến trên nhằm hỗ trợ và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao về bệnh viện tuyến dưới khả thi.
- Tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt tuyến trung ương có thể được cải thiện khi trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, các dịch vụ y tế có chất lượng cao tại các bệnh viện tuyến dưới được nâng cao.
3. MỤC TIÊU:
a) Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế.
b) Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương.
c) Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.
4. NGUYÊN TẮC VÀ THỜI GIAN CỬ CÁN BỘ LUÂN PHIÊN:
a) Cử cán bộ chuyên môn hoặc kíp cán bộ chuyên môn (gọi tắt là cán bộ đi luân phiên) từ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trên có khả năng giải quyết độc lập được các kỹ thuật về luân phiên, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Thời gian công tác do đơn vị cử cán bộ đi luân phiên quyết định, nhưng tối thiểu 03 tháng đối với 01 lần luân phiên của 01 cán bộ.
b) Một bệnh viện tuyến trên có thể cử cán bộ giúp đỡ nhiều bệnh viện tuyến dưới. Ngược lại, một bệnh viện tuyến dưới có thể nhận cán bộ của nhiều bệnh viện tuyến trên về luân phiên.
5. CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ ĐI LUÂN PHIÊN:
a) Cán bộ đi luân phiên được giữ nguyên biên chế và được hưởng các chế độ như đang công tác tại đơn vị cử đi luân phiên.
b) Cán bộ đi luân phiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại nơi luân phiên (có quyết định khen thưởng của cơ sở, nơi cán bộ đến luân phiên) thì được đơn vị ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn, nâng ngạch khi đủ điều kiện và được hưởng các chế độ khen thưởng khác do đơn vị quy định.
6. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
a) Triển khai chủ trương của Đề án:
Bộ Y tế quán triệt chủ trương cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên đi luân phiên, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới trong tháng 6/2008.
b) Các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện hạng I:
- Cấp ủy Đảng, lãnh đạo các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện hạng I phối hợp cùng lãnh đạo các Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện tuyến tỉnh xây dựng nội dung kế hoạch cử và tiếp nhận cán bộ đi luân phiên trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.
- Năm 2008 – 2009, Bộ Y tế chỉ định các bệnh viện có trách nhiệm cử cán bộ đi luân phiên (có Phụ lục số 1 kèm theo).
- Các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện hạng I khảo sát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu của các bệnh viện tuyến tỉnh và các kỹ thuật cần chuyển giao.
- Các bệnh viện tuyến tỉnh đề xuất yêu cầu sát với thực tế để các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện hạng I đáp ứng hiệu quả các yêu cầu đề ra (về cơ cấu, số lượng, chất lượng cán bộ đến luân phiên, kỹ thuật công nghệ cần được chuyển giao) trên cơ sở có tham khảo kết quả công tác chỉ đạo tuyến trước đây.
- Các bệnh viện tuyến trung ương và các bệnh viện tuyến tỉnh thống nhất kế hoạch về số lượng cán bộ, chuyên khoa, thời gian và các nội dung liên quan sau đó báo cáo Bộ Y tế.
- Cấp ủy Đảng bệnh viện làm tốt công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của Bộ Y tế; cán bộ y tế tình nguyện về các bệnh viện tuyến tỉnh công tác, gắn với trách nhiệm của đảng viên, đoàn viên công đoàn, đoàn viên đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tổ chức Đảng ra Nghị quyết lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể ra Nghị quyết vận động đoàn viên, hội viên tham gia. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động phong trào xung kích. Các bệnh viện xây dựng thành quy chế thực hiện.
- Bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để cán bộ đi luân phiên yên tâm làm việc có hiệu quả. Bệnh viện tiếp nhận cán bộ tới luân phiên có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi về tinh thần và cơ sở vật chất (ăn ở, đi lại …) để cán bộ tới luân phiên hoàn thành nhiệm vụ.
- Bộ Y tế bổ sung đủ biên chế và kinh phí để các bệnh viện tuyến trung ương đáp ứng công việc chuyên môn và đào tạo, thay thế cán bộ được đi hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh.
c) Các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện:
- Trên cơ sở thực tế của địa phương, Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các bệnh viện xây dựng kế hoạch giúp tuyến dưới theo như tinh thần và nội dung tuyến trung ương giúp tuyến tỉnh tại Điểm b Khoản 6 nêu trên.
- Riêng tuyến huyện, việc giúp các xã chưa có bác sĩ thì hình thức là cử bác sĩ về xã khám chữa bệnh theo buổi trong tuần.
d) Cán bộ y tế đi luân phiên:
- Thông suốt về tư tưởng, tự nguyện tự giác.
- Có kế hoạch hành động cụ thể như thực hành kỹ thuật, hướng dẫn thực hành, đào tạo cán bộ tại chỗ chủ yếu theo phương thức chuyển giao công nghệ báo cáo lãnh đạo bệnh viện.
- Chấp hành sự phân công của lãnh đạo các bệnh viện đến hỗ trợ, thực hiện đầy đủ các quy định và quy chế chuyên môn đã được Bộ Y tế ban hành.
7. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
a) Thành lập Ban Chỉ đạo cấp Bộ:
Lãnh đạo Ban:
- Trưởng Ban: TS. Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng
- Phó trưởng Ban thường trực: TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng.
- Phó trưởng Ban: BSCKII. Trịnh Đình Cần, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
- Phó trưởng Ban: TS. Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
- Phó trưởng Ban: TS. Dương Huy Liệu, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính.
Các ủy viên:
- Các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, Công đoàn Y tế Việt Nam: mỗi đơn vị cử 01 đồng chí lãnh đạo.
- Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh.
b) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các huyện:
Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, mời đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã làm Trưởng Ban.
c) Kinh phí hoạt động:
- Bộ Y tế bảo đảm kinh phí cho các bệnh viện tuyến trung ương cử cán bộ về giúp các bệnh viện tuyến tỉnh.
- UBND tỉnh bảo đảm kinh phí hoạt động cho các cơ sở y tế để thực hiện Đề án này từ ngân sách địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
d) Triển khai thực hiện:
- Các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện hạng I, tuyến tỉnh và tuyến huyện chủ động nghiên cứu, đề xuất chương trình hành động, thời gian tiến hành, báo cáo Ban Chỉ đạo các cấp.
- Một số vấn đề liên quan tới công tác luân chuyển cán bộ, công tác chỉ đạo tuyến, các bệnh viện vẫn thực hiện như đã được xác định trong nhiệm vụ và được cấp thẩm quyền giao hàng năm. Tùy điều kiện cụ thể của từng bệnh viện, có thể nghiên cứu phối kết hợp giữa các nội dung trên.
| BỘ TRƯỞNG (Đã ký)
Nguyễn Quốc Triệu |
PHỤ LỤC I
Danh sách các bệnh viện có trách nhiệm cử cán bộ đi luân phiên
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008
của Bộ trưởng Bộ Y tế)
STT | Bệnh viện | Tỉnh, thành phố |
I. Bệnh viện tuyến Trung ương | ||
1 | Bệnh viện Bạch Mai | Tp. Hà Nội |
2 | Bệnh viện Hữu Nghị | Tp. Hà Nội |
3 | Bệnh viện Chợ Rẫy | Tp. Hồ Chí Minh |
4 | Bệnh viện Thống Nhất | Tp. Hồ Chí Minh |
5 | Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức | Tp. Hà Nội |
6 | Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên | Tp. Thái Nguyên |
7 | Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế | Tp. Huế |
8 | Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ | Tp. Cần Thơ |
9 | Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí | Tỉnh Quảng Ninh |
10 | Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới | Tỉnh Quảng Bình |
11 | Bệnh viện C Đà Nẵng | Tp. Đà Nẵng |
12 | Bệnh viện E | Tp. Hà Nội |
13 | Bệnh viện K | Tp. Hà Nội |
14 | Bệnh viện Nội tiết | Tp. Hà Nội |
15 | Bệnh viện Nhi Trung ương | Tp. Hà Nội |
16 | Bệnh viện Phụ sản Trung ương | Tp. Hà Nội |
17 | Bệnh viện Y Học Cổ truyền Trung ương | Tp. Hà Nội |
18 | Bệnh viện Châm cứu | Tp. Hà Nội |
19 | Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Trung ương | Tp. Hà Nội |
20 | Bệnh viện 71 Trung ương | Tỉnh Thanh Hóa |
21 | Bệnh viện Lao và bệnh Phổi TƯ Phúc Yên | Tỉnh Vĩnh Phúc |
22 | Bệnh viện Mắt Trung ương | Tp. Hà Nội |
23 | Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương | Tp. Hà Nội |
24 | Bệnh viện Răng Hàm Mặt thành phố Hồ Chí Minh | Tp. Hồ Chí Minh |
25 | Bệnh viện Tâm thần Trung ương I | Tỉnh Hà Tây |
26 | Bệnh viện Tâm thần Trung ương II | Tỉnh Đồng Nai |
27 | Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng TƯ | Tỉnh Thanh Hóa |
28 | Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa | Tỉnh Bình Định |
29 | Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quỳnh Lập | Tỉnh Nghệ An |
30 | Viện Răng Hàm Mặt Quốc gia | Tp. Hà Nội |
31 | Viện Huyết học Truyền Máu Trung ương | Tp. Hà Nội |
32 | Viện Da liễu Quốc gia | Tp. Hà Nội |
33 | Viện Lão khoa Quốc gia | Tp. Hà Nội |
34 | Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia | Tp. Hà Nội |
35 | Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác | Tp. Hà Nội |
II. Các bệnh viện tuyến tỉnh | ||
36 | Bệnh viện Thanh Nhàn | Tp. Hà Nội |
37 | Bệnh viện Xanh Pôn | Tp. Hà Nội |
38 | Bệnh viện Phụ sản Hà Nội | Tp. Hà Nội |
39 | Bệnh viện Hữu Nghị Việt – Tiệp | Tp Hải Phòng |
40 | Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng | Tp Đà Nẵng |
41 | Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa | Tỉnh Khánh Hòa |
42 | Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang | Tỉnh Kiên Giang |
43 | Bệnh viện Nhân dân 115 | Tp Hồ Chí Minh |
44 | Bệnh viện Hùng Vương | Tp Hồ Chí Minh |
45 | Bệnh viện Trưng Vương | Tp Hồ Chí Minh |
46 | Bệnh viện Bình Dân | Tp Hồ Chí Minh |
47 | Bệnh viện Nhi đồng 1 | Tp Hồ Chí Minh |
48 | Bệnh viện Nhi đồng 2 | Tp Hồ Chí Minh |
49 | Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ | Tp Hồ Chí Minh |
50 | Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới | Tp Hồ Chí Minh |
51 | Bệnh viện Da liễu | Tp Hồ Chí Minh |
52 | Bệnh viện Truyền máu huyết học | Tp Hồ Chí Minh |
53 | Bệnh viện Ung bướu | Tp Hồ Chí Minh |
54 | Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Tp. Hồ Chí Minh | Tp Hồ Chí Minh |
55 | Bệnh viện Lao Phạm Ngọc Thạch | Tp Hồ Chí Minh |
56 | Bệnh viện Mắt | Tp Hồ Chí Minh |
57 | Bệnh viện Tai – Mũi – Họng | Tp Hồ Chí Minh |
58 | Bệnh viện Y dược học cổ truyền | Tp Hồ Chí Minh |
59 | Bệnh viện Y học dân tộc | Tp Hồ Chí Minh |
60 | Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp Tp. Hồ Chí Minh | Tp Hồ Chí Minh |
(Nguồn: Bộ Y tế )